Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết hiện nay số người tạm ngưng hợp đồng mà không hưởng lương thông qua kênh bảo hiểm xã hội tỉnh có khoảng 28.000 lao động và trong tổng số 800.000 công đoàn viên có khoảng 240.000 lao động bị ảnh hưởng do cắt giảm giờ làm. Tuy nhiên, 240.000 lao động bị cắt giảm giờ làm không quá 14 ngày theo Luật Lao động nên vẫn còn trong danh sách hưởng lương, tham gia BHXH. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng là dệt may, gỗ, da giày, điện tử...
Khi người lao động đến giải quyết bảo hiểm thất nghiệp sẽ được Trung tâm Giới thiệu việc làm tư vấn dạy nghề, tìm việc làm mới, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay
Trước tình hình đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đặt ra nhiều giải pháp để tìm việc cho người lao động và giúp họ vượt qua khó khăn. Thông qua các hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm, khi người hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến, trung tâm sẽ giới thiệu, tư vấn việc làm và giải quyết chính sách về hỗ trợ tiền BHTN cho người lao động. Các trung tâm cũng tuyên tuyền, tư vấn dạy nghề cho người lao động. Kinh phí dạy nghề tính từ nguồn của Quỹ BHTN.
Ông Phạm Văn Tuyên thông tin thêm, dự kiến giữa tháng 11-2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu lao động, qua đó mời đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cũng như các sở, ngành có liên quan, bên cạnh đó mời thêm một số trung tâm giới thiệu việc làm ngoài tỉnh tham dự hội nghị này. Mục đích của hội nghị là tạo điều kiện kết nối cung cầu lao động tốt hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ sắp ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường lao động. Sau khi nghị quyết này được ban hành, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh các kế hoạch để triển khai thực hiện nghị quyết này.
QUANG TÁM