Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức một phiên họp khẩn cấp ngày 20/5 để thảo luận về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, một bệnh truyền nhiễm do virus vốn phổ biến ở Tây và Trung Phi, sau khi hơn 100 ca nhiễm và nghi nhiễm được xác nhận tại châu Âu.
Hình ảnh chụp tế bào da của một trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ. Ảnh Reuters.
Cuộc họp khẩn cấp được khởi xướng bởi Nhóm Cố vấn chiến lược và kỹ thuật về các mối nguy bệnh truyền nhiễm (STAG-IH), một ủy ban thuộc WHO có chức năng tư vấn về các nguy cơ bệnh lây nhiễm có ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cầu.
Đây là đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ lớn nhất ở châu Âu từ trước đến nay, các ca bệnh đã được báo cáo ở ít nhất 9 quốc gia, bao gồm Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh. Ngoài ra, các ca nhiễm cũng được ghi nhận ở Australia, Canada và Mỹ.
Tây Ban Nha đã báo cáo 24 trường hợp mới trong ngày 20/5, chủ yếu ở khu vực Madrid. Chính quyền thành phố đã đóng cửa nhiều địa điểm phát hiện các ca nhiễm.
Trong khi đó, Anh đã ghi nhận 20 ca, Bồ Đào Nha công bố thêm 9 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 23.
Một bệnh viện ở Israel cũng đang điều trị cho một bệnh nhân khoảng 30 tuổi có các triệu chứng nghi ngờ, người này đến từ Tây Âu.
Ban đầu được xác định ở loài khỉ, căn bệnh này thường lây lan khi tiếp xúc gần gũi và hiếm khi lây ra ngoài khu vực châu Phi, vì vậy, việc phát hiện hàng loạt ca nhiễm tại châu Âu đang gây ra mối quan ngại lớn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học dự kiến đợt bùng phát này sẽ khó biến thành đại dịch như COVID-19, do virus này không lây lan dễ dàng như SARS-COV-2.
Đến nay chưa có vaccine cho bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng vaccine sử dụng cho đậu mùa có hiệu quả đến 85% trong ngăn ngừa bệnh này, theo WHO.
Giới chức y tế tại Anh cho biết đã tiêm vaccine đậu mùa cho những nhân viên hoặc người có thể có tiếp xúc với ca nhiễm đậu mùa khỉ.
Từ những năm 1970, các ca nhiễm đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở 11 nước châu Phi. Nigeria là nước chứng kiến đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ năm 2017. Trong năm nay, nước này ghi nhận 46 ca nghi nhiễm, trong đó 15 ca đã được xác nhận.
Ca nhiễm đầu tiên tại châu Âu trong năm nay được xác nhận hôm 7/5, là một người từ Nigeria trở về Anh. Đến nay, 100 ca đã được ghi nhận ngoài khu vực châu Phi.
Theo CAND