Tổ hòa giải khu phố 3, phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên: Tham gia gắn kết tình làng nghĩa xóm

Cập nhật: 26-02-2022 | 09:34:00

Những hòa giải viên được xem như “nhịp cầu” gắn kết các mối quan hệ đang trên bờ đổ vỡ, góp phần ổn định trật tự xã hội và thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm. Trong 5 năm qua, Tổ hòa giải cơ sở khu phố 3, phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên đã có nhiều đóng góp trong công tác này, từ đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương…


Ông Lê Văn Thành cùng các thành viên trong Tổ hòa giải khu phố 3 họp bàn, trao đổi nghiệp vụ hòa giải

Chuyển biến từ một khu phố

Phường Hội Nghĩa có 5 phu phố, trong đó khu phố 3 có tổng diện tích là 123ha, hiện có 684 hộ thường trú với nhân khẩu và 3.230 nhân khẩu tạm trú. Ngoài ra, trên địa bàn khu phố 3 còn có 69 cơ sở trọ với 384 phòng, 5 công ty và 41 cơ sở kinh doanh các ngành nghề khác đang hoạt động.

Thời gian qua, ý thức tự quản, tự giác chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư ở đây không ngừng nâng lên, đặc biệt vai trò gương mẫu của cán bộ và nhân dân được phát huy. Tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết tương trợ trong lao động, sản xuất trên địa bàn có nhiều tiến bộ. Để có được điều này là nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và đặc biệt là sự nỗ lực của từng thành viên trong Tổ hòa giải cơ sở khu phố 3.

Hiện nay tổ hòa giải khu phố có 7 hòa giải viên. Từ năm 2017 đến năm 2021, tổ hòa giải đã thụ lý 41 vụ việc, trong đó hòa giải thành 40/41 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,5%. Riêng trong năm 2021 có 8 trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp và đã được đưa ra hòa giải thành đạt 100%. Năm 2021, Tổ hòa giải khu phố 3, phường Hội Nghĩa vinh dự là tập thể duy nhất của phường được khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải cơ sở.

Giữ gìn tình làng nghĩa xóm

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Điều hành khu phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu phố 3, cho biết: “Trong 5 năm qua, Ban Điều hành khu phố đã tham gia giải quyết những vụ việc tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp”.

Theo ông Thành, trong những năm qua ông và các thành viên trong tổ hòa giải còn phân xử nhiều vụ “lục đục” trong gia đình. Trong số các vụ việc từng tham gia, ông ấn tượng nhất là vụ mâu thuẫn giữa hai cha con. Người cha già yếu sống cùng vợ chồng con trai trên khu đất đứng tên ông. Ông mong muốn tuổi già sức yếu sẽ được con trai phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, người con trai do không thuận với cha nên thường có những lời lẽ không hay và không chu cấp cho cha hàng tháng theo đề nghị của cha. Buồn bực, người cha quyết định tách thửa đất và chỉ cho con trai một phần đất, thậm chí muốn “từ mặt” người con của mình.

Mâu thuẫn của hai cha con ngày càng gay gắt hơn cho đến khi ông Thành tham gia hòa giải để gắn kết tình cảm của họ. Nhờ được khuyên bảo, phân tích, người con trai đã hiểu ra lỗi lầm của mình đối với cha. Qua hòa giải, người cha hiểu và thông cảm cho những vất vả của con trai khi phải gánh vác kinh tế cho gia đình nhỏ. Mối quan hệ cha con từ đó được hàn gắn, gia đình thuận hòa, không còn “lời ra tiếng vào” như trước nữa.

Theo ông Thành, trong bất cứ vụ việc nào, ông và các thành viên trong tổ hòa giải luôn cố gắng tạo sự đồng thuận, gắn kết “tình làng nghĩa xóm”, hàn gắn các mối quan hệ gia đình nói riêng và mối quan hệ giữa các đương sự nói chung. “Mục đích của hòa giải ở cơ sở là nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Khi nhận được một vụ mâu thuẫn nào đó trong khu phố, chúng tôi thường tìm hiểu thật kỹ lai lịch, hoàn cảnh gia đình, tâm tính của các đương sự để tìm ra phương pháp hòa giải cho phù hợp. Đa phần các vụ hòa giải thành đều nhờ chúng tôi hòa giải miệng. Chúng tôi thường đến tận nhà của các đương sự hoặc đến tận hiện trường nơi xảy ra tranh chấp để hòa giải. Nhiều vụ việc phức tạp, đặc biệt là các vụ tranh chấp đất đai, tôi cùng các thành viên phải nghiên cứu tài liệu, cập nhật văn bản pháp luật mới nhất để có cơ sở pháp lý vững chắc để vận động, thuyết phục, phân tích sao cho “hợp tình hợp lý”, từ đó tạo sự đồng thuận cho hai bên đương sự”, ông Thành chia sẻ thêm.

Bà Phạm Thị Thúy Hồng, Chủ tịch UBND phường Hội Nghĩa, cho biết: “Hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của nhà nước, góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã mang lại lợi ích vật chất, tinh thần và gắn kết nghĩa tình. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tâm, nhiệt tình trong việc hàn gắn những rạn nứt về tình cảm; vun đắp, thắp sáng tình yêu thương, sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư.

Trong nhiều năm qua, UBND phường luôn bám sát, chỉ đạo sâu sát về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận; tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng. Các tranh chấp, mâu thuẫn được tiếp nhận đều được đưa ra hòa giải thành với tỷ lệ cao, từ đó giúp địa phương có sự ổn định về an ninh trật tự, không hình thành điểm nóng, không có khiếu kiện đông người xảy ra”.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên