Đầu năm 2014, Tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế thuộc Hội LHTN phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một (gọi tắt là THT) được thành lập với 12 thành viên ban đầu. Sau đó, THT đã nhanh chóng thu hút thêm nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) cùng lực lượng dân quân thường trực phường Hiệp An tham gia sinh hoạt, tổ chức mô hình chăn nuôi tập trung. Dưới sự hỗ trợ nhiệt tình từ Hội LHTN phường, THT bước đầu cho thấy những kết quả nhất định.
Anh Hà Tuấn Minh, Tổ trưởng THT cho biết, trước khi thành lập, anh cùng một nhóm ĐVTN đã xây dựng kế hoạch và triển khai lấy ý kiến để xây dựng THT phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi. Trong đó, trọng tâm là chăn nuôi heo, gà, cá và ếch. Với số vốn ban đầu khoảng 30 triệu đồng do các thành viên tự đóng góp, THT đã đầu tư trang bị chuồng trại và con giống. “Lúc đầu chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn vì kinh nghiệm còn hạn chế, nhưng các thành viên trong THT không nản lòng, đã đoàn kết, đồng lòng tìm ra những hướng đi, tháo gỡ vướng mắc. Các thành viên trong THT tích cực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ mạng internet, sách, báo và đăng ký tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân phường tổ chức, đồng thời tham khảo các mô hình THT chăn nuôi phát triển kinh tế khác của các đơn vị bạn… để trau dồi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả chăn nuôi”, anh Minh nói.
Mô hình nuôi cá trê trong lồng của THT thanh niên phát triển kinh tế phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một . Ảnh: T.AN
Sau khi lấy ý kiến, khảo sát địa hình chăn nuôi, các thành viên trong THT quyết đinh nuôi thử nghiệm 10 con heo, 300 con gà, 1.000 con ếch. Sau gần 10 tháng chăn nuôi, đến tháng 10- 2014, ngoài cung ứng sản phẩm cho ĐVTN trong địa bàn khi có nhu cầu, THT đã tiến hành bán cho các đầu mối ở chợ Bưng Cầu và khách quen được 5 con heo, 100 con gà và hơn 1.000 con ếch với số tiền khoảng 25 triệu đồng. Với kết quả bước đầu rất khả quan, THT đã tiếp tục nhân rộng mô với gần 1.000 con ca trê giống, bên cạnh chăn nuôi còn tham gia trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Anh Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Hội LHTN phường Hiệp An, cho biết: bên cạnh hỗ trợ mặt bằng để THT phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi liên kết, hội đã đồng hành cùng với ĐVTN thông qua việc hướng dẫn, kiểm tra trong quá trình xây dựng chuồng trại theo hướng bảo vệ môi trường; phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chăn nuôi cho các thành viên, tư vấn hướng dẫn tiếp cận các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế của địa phương… THT thanh niên chăn nuôi liên kết đi vào hoạt động đã góp phần làm đa dạng thêm các mô hình trong phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp” ở địa phương. Sự ra đời của THT cũng đã làm thay đổi tư duy, cách thức sản xuất của một bộ phận ĐVTN, chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường; từng bước tổ chức nhân rộng mô hình, mở rộng quy mô, phát triển bền vững gắn sự phát triển kinh tế của địa phương.
“Thời gian tới, trên cơ sở thành công bước đầu của THT chăn nuôi liên kết, hội sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo hội viên mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi hình thức chăn nuôi, tiếp cận nguồn vốn… qua đó đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế trong ĐVTN”, anh Triết chia sẻ.
Cũng theo anh Triết, tuy còn gặp nhiều khó khăn, song THT thanh niên phát triển kinh tế phường Hiệp An vẫn đang phấn đấu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm thường xuyên cho các thành viên trong tổ và thanh niên địa phương. Hiệu quả kinh tế của mô hình THT chăn nuôi là động lực để các đơn vị trên địa bàn học tập xây dựng nhiều mô hình kinh tế hợp tác, phát huy sức trẻ, bản lĩnh của thanh niên cùng các cấp chính quyền địa phương chung tay xây dựng và phát triển kinh tế.
THÙY AN