Kỳ 7: Bạch Đằng Giang - Hào khí muôn đời
> Bài 1: Nam quốc sơn hà
> Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”
> Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ
>Bài 4: Nước non vững bền
>Kỳ 5: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa
>Kỳ 6: Đưa những con tàu ra khơi
Bạch Đằng - con sông đã đi vào những trang vàng lịch sử của dân tộc. Ai đã một lần đến đây, bên dòng sông thiêng sóng vỗ mấy ngàn năm mà lòng không khỏi bồi hồi nhớ về một thời oanh liệt của cha ông. Bạch Đằng Giang hôm nay vẫn miên man chảy, chở nặng phù sa… Và, quá khứ huy hoàng như đang khơi dậy niềm tự hào cùng với nhân dân cả nước chung một ý chí bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đang bị xâm phạm.
“Ai về qua Bạch Đằng Giang/ Có nghe tiếng nước tiếng đoàn quân reo”.
Khí phách dân tộc
Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, trước khi đến với dòng sông Bạch Đằng, chúng tôi đã đến Bắc Ninh, Chi Lăng - Xương Giang… những địa danh một thời oanh liệt, lưu dấu những chiến công lẫy lừng mà cha ông ta phải đánh đổi bằng máu xương của nhiều thế hệ. Việt Nam, một dân tộc bị bắt buộc phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc. Vì vậy, chúng ta yêu chuộng hòa bình hơn ai hết. Song, nói như lời một vị tướng rằng: “Yêu nước thì phải biết giữ nước, phải bằng mọi cách bảo vệ cho được chủ quyền lãnh thổ của tổ tiên để lại. Không làm được như vậy là mang tội…”.
Bãi cọc Bạch Đằng được tìm thấy ở TX.Quảng Yên
Ngoài khơi xa, biển Đông của chúng ta đang đối mặt với “cuồng phong, bão táp”, nhân dân cả nước đang hướng ra biển, chúng tôi lại nhớ về một câu chuyện đầy khí phách của tiền nhân. Thời hậu Lê, vua Lê Thần Tông cử Giang Văn Minh làm chánh sứ sang nhà Minh nhằm thiết lập bang giao hòa hiếu, nhưng vua Minh không tiếp. Chánh sứ Giang Văn Minh phải khéo léo tìm mọi cách, sau mới được vua Sùng Trinh tiếp. Nhưng khi vừa giáp mặt, chưa kịp bàn chuyện quốc sự, ông vua ngạo mạn này liền ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc). Ý của vua Minh nhắc tới Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một cột đồng với lời nguyền: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, Đại Việt ta diệt vong). Không thể để đất nước bị hạ nhục, Giang Văn Minh dõng dạc đối lại: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (sông Bạch Đằng thuở trước máu còn loang đỏ). Lời vế đối đanh thép, khơi lại chuyện dân tộc Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng và máu hãy còn đỏ. Giang Văn Minh nhắc vua nhà Minh nhớ lấy bài học ấy. Nghe câu đối như tát nước vào mặt, vua Minh tức giận giết chết chánh sứ Giang Văn Minh, nhưng trong lòng ông ta vẫn rất khâm phục tinh thần quật cường của sứ thần Đại Việt.
Chánh sứ Giang Văn Minh đã để lại những phẩm chất tuyệt vời, không chịu nhục trước sự ngạo mạn về chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc, mặc dù ông biết lời đối lại của mình sẽ nguy đến tính mạng. Hành động của ông đã được sử sách ca ngợi là khí phách bất khuất của con người và dân tộc Đại Việt, là “Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ”. Nhắc lại chuyện xưa, để thấy người Việt Nam chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước người phương Bắc.
Dẫn chúng tôi đi thăm lại các di tích chiến thắng Bạch Đằng, chị Hồng - một cán bộ văn phòng UBND TX.Quảng Yên - tỏ rõ sự tự hào về vùng đất anh hùng. Chị nói: “Được may mắn sinh ra trên mảnh đất kiên cường này, tôi càng thấm thía về sự hy sinh xương máu của cha ông để bảo vệ sơn hà xã tắc. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống hào hùng của dân tộc, sẽ không có một thế lực ngoại bang nào có thể đe dọa được chúng ta”. Quảng Yên hôm nay đang từng ngày phát triển, là nơi có nhiều di tích lịch sử đặc biệt luôn thu hút con dân đất Việt tìm đến muôn đời hương khói cho các bậc công thần có công giữ nước. Bên dòng sông là đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ở bến sông có di tích bến đò Rừng, nơi quân ta mai phục. Trên bến là miếu vua Bà - người góp phần vào chiến thắng Bạch Đằng… Các di tích nằm cạnh nhau càng làm cho vùng đất này thêm uy nghiêm, hội tụ anh linh, hào khí muôn đời của dân tộc Việt Nam.
Chiến công truyền mãi
Chiến thắng Bạch Đằng 1288 là trận thủy chiến chiến lược lớn nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba, đồng thời là một thất bại thảm hại của đế quốc Nguyên Mông. Chiến công này góp phần làm sụp đổ tham vọng tái xâm lăng nước Đại Việt, Nhật Bản, làm giảm sức mạnh và ý đồ xâm lược xuống Đông Nam Á của quân Nguyên Mông. Dân tộc ta sau chiến công này có một thời kỳ hòa bình, thịnh vượng lâu dài: “Xã tắc hai lần phiền ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.
Hiện nay, tại khu vực sông Bạch Đằng đã phát hiện được nhiều bãi cọc, trong đó bãi cọc ở Yên Giang vẫn còn nhận thấy rõ, nằm trong phạm vi có chiều dài 120m theo hướng Bắc - Nam, rộng 30m. Cọc được cắm theo hình chữ chi, cách nhau từ 0,9 - 1,1m và nghiêng theo hướng ngược dòng sông, được phát hiện vào năm 1953. Trận địa Bạch Đằng năm 1288 diễn ra trên 3 bãi cọc là Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa và bãi cọc Yên Giang (đều thuộc phường Yên Giang, TX.Quảng Yên ngày nay). Chỉ trong một ngày 9-4- 1288, toàn bộ cánh quân Nguyên Mông gồm hơn 600 chiến thuyền, 4 vạn tên giặc đã sa vào các bãi cọc, bị ta tiêu diệt và bắt sống cùng với tướng Ô Mã Nhi.
Chúng tôi đến thăm các bãi cọc khi thủy triều đã rút nên nhìn thấy rất rõ những cọc gỗ mặc dù thời gian đã bào mòn đi nhiều. Thật khó để hình dung được, năm xưa chỉ với phương tiện thô sơ nhưng cha ông ta đã làm nên một trận địa đồ sộ như vậy. Những di tích còn lại ở đây đang là đề tài để các nhà khoa học nghiên cứu. Bạch Đằng Giang hôm nay đang trở thành vùng đất trù phú. Dòng sông xưa, nay nhiều nơi người dân đắp đê nuôi trồng thủy sản. Nghề này ở đây rất phát triển. Hải sản lại càng nổi tiếng, đặc biệt là loại sò huyết thì không đâu sánh bằng. Sò to, ruột đặc và ăn có mùi vị khác hẳn nơi khác. Không có nơi đâu như ở vùng đất này, lịch sử oanh liệt mà thiên nhiên lại vô cùng hùng vĩ, vừa có biển, có sông và cả những dãy núi cao sừng sững nằm đan xen với nhau như một bức tranh thủy mặc. Hơn ai hết, người dân Quảng Yên, Quảng Ninh nói riêng và trên 90 triệu con dân đất Việt, kiều bào ta ở nước ngoài đều ý thức được rằng, bảo vệ chủ quyền biển cả thiêng liêng cũng là bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc bao đời nay.
Kỳ 8: Chủ quyền lãnh thổ là bất biến
KIẾN GIANG - KHÁNH VINH