> Bài 1: Nam quốc sơn hà
> Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”
> Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ
> Bài 4: Nước non vững bền
> Bài 5: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa
> Bài 6: Đưa những con tàu ra khơi
> Bài 7: Bạch Đằng Giang - Hào khí muôn đời
> Bài 8: “Chủ quyền lãnh thổ là bất biến”
> Bài 9: “Hãy tin tưởng ở chúng tôi”
> Bài 10: Tổ quốc bên bờ sóng: Vững vàng hậu phương
> Bài 11: Con rồng ngẩng đầu bên bờ biển
> Bài 12: Săn Sá Sùng trên biển Quan Lạn
Với hơn 500 chiếc tàu có công suất trên 90CV, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) không chỉ nổi tiếng với nghề đóng tàu vươn khơi mà còn là địa phương phát triển rất mạnh nghề đánh bắt hải sản. Tinh thần bám biển, giữ biển của ngư dân Lập Lễ cũng rất đáng khâm phục…
Ngư dân Lập Lễ tất bật đóng tàu vươn khơi
Ngày đêm bám biển
Một chiều hối hả ở xã Lập Lễ, chúng tôi bắt gặp trên đường đi từ UBND xã về cảng cá Mắt Rồng những khuôn mặt rạng ngời, ánh mắt toát lên những niềm tin mãnh liệt. Mặc cho biển Đông đang “nổi sóng”, từng đoàn tàu đánh cá của ngư dân Lập Lễ vẫn nối đuôi nhau ra khơi đánh bắt hải sản. Lão ngư Đinh Khắc Thiện với khuôn mặt đen bóng, rắn rỏi màu sóng gió cho biết: “Trước việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhiều ngư dân địa phương rất bức xúc. Và hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, quyết tâm bám biển vươn khơi, khai thác nguồn lợi hải sản trên vùng biển chủ quyền của đất nước là hành động thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Mặt ông Thiện đanh lại khi trả lời câu hỏi của chúng tôi về tinh thần đi biển của ngư dân Lập Lễ: “Tổ tiên, cha ông chúng tôi gắn liền với biển, có chết cũng phải giữ biển…”.
Từ đầu năm đến nay, ngư dân Lập Lễ khai thác được gần 5.400 tấn thủy sản các loại, đạt giá trị hơn 45 tỷ đồng, nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mực, cá cơm... Không chỉ mạnh dạn đánh bắt ở ngư trường truyền thống là vịnh Bắc bộ, ngư dân Lập Lễ còn cưỡi tàu lớn, đạp sóng đánh bắt tận các ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam tại khu vực Trường Sa và Hoàng Sa. Ông Trần Hùng Dũng, ngư dân đã nhiều năm đánh bắt xa bờ ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa cho biết, dù phía Trung Quốc hung hãn, ngang ngược nhưng ngư dân Lập Lễ vẫn ngày đêm bám biển, vươn khơi. Người Lập Lễ bao đời nay sống nhờ vào biển, nhiều lần tàu của họ giáp mặt với tàu Trung Quốc nhưng họ không hề nao núng trước những hành vi ngang ngược của đối phương.
Ông Bùi Doãn Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủy Nguyên cho biết, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, góp phần giữ gìn an ninh biển đảo Tổ quốc, huyện đã vận động và tạo điều kiện để ngư dân phát triển tàu đánh bắt xa bờ. Để bảo đảm an toàn cũng như nâng cao hiệu quả khai thác, với sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, những năm gần đây, ngư dân huyện Thủy Nguyên nói chung và Lập Lễ nói riêng đã thành lập được các cụm tàu vươn khơi an toàn trên biển, đánh bắt xa bờ.
Các cụm tàu an toàn được bố trí cùng ngành nghề, đánh bắt cùng ngư trường, được kết nối thông tin và tiếp nhận chỉ đạo trực tiếp từ “tập đoàn đánh cá”. Các cụm tàu an toàn trên biển không những tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, mà còn cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị về tình hình an ninh biên giới biển, tình hình tàu thuyền nước ngoài hoạt động, giúp các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin phục vụ công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biển đảo.
Đóng thêm tàu giữ biển
Chúng tôi đến HTX đóng tàu Lập Lễ, trên bờ, dưới nước ngổn ngang những gỗ và tàu đang được sửa chữa, đóng mới. Làng nghề đóng tàu Lập Lễ nổi tiếng từ bao đời nay với khả năng đóng hàng ngàn chiếc tàu lớn nhỏ. Ông Đinh Khắc Nhân, Chủ nhiệm HTX đang tiếp một đoàn 4 - 5 ngư dân từ Nam Định, Quảng Ninh sang đặt hàng. Ông Nhân dẫn khách ra tận xưởng, chỉ tay vào mấy con tàu đóng dở với hàng trăm công nhân đang làm việc rồi bảo: “Chúng tôi chịu. Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi dày kín hợp đồng đóng tàu cho khách. Các anh thông cảm!”. Tàu cá của ngư dân Lập Lễ ngày đêm bám biển góp phần giữ vững chủ quyền đất nước
Ông Vũ Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Lập Lễ cho biết, thấy rõ việc vươn khơi có hiệu quả, tại xã Lập Lễ, ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu công suất lớn. Từ đầu năm đến nay, các xưởng đóng tàu xã Lập Lễ hoàn thiện 20 tàu vươn khơi khai thác thủy sản, đưa tổng số tàu của xã lên hơn 500 chiếc từ 90CV trở lên. Dự kiến đến hết năm 2014, các cơ sở đóng tàu sẽ hoàn thiện khoảng 50 tàu khai thác thủy sản các loại, tàu lớn nhất có công suất 790CV, trị giá gần 10 tỷ đồng. Ngư dân đóng tàu càng lớn, khả năng vươn khơi càng xa, tìm được ngư trường mới, mỗi chuyến đi biển thu lãi hàng trăm triệu đồng, có tàu thu lãi gần tỷ đồng. Chỉ cần vài chuyến đi biển có lãi, trong khoảng 2 năm, ngư dân có thể trả xong phần vốn vay.
Thực tế như ông Đinh Khắc Thó, chủ tàu HP 90504, vay ngân hàng 600 triệu đồng, cùng vốn vay của những người thân, ông Thó đóng tàu công suất 360CV. Sau 2 chuyến đi biển có lãi, ông trả ngân hàng toàn bộ số vốn sau 4 tháng vay. Trung bình tàu từ 90CV đến 200CV sau mỗi chuyến vươn khơi cũng có lãi trên 100 triệu đồng. Đặc biệt trong năm 2013 vừa qua, tàu vó mực công suất hơn 500CV của ông Lê Văn Vinh ở xã Lập Lễ, sau gần 10 ngày vươn khơi thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Còn nhiều trường hợp ngư dân trúng cá, được giá nữa ở Lập Lễ mà chúng tôi không thể nhớ hết. Biển giàu đẹp, sản vật từ biển cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Biển không phụ công người cần lao, gắn bó và sống chết giữ biển, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc cho hôm nay và mai sau. Nói tinh thần bám biển, giữ biển của ngư dân Lập Lễ cũng là truyền thống muôn đời của bao ngư dân Việt Nam là thế!
Bài 14: Thành phố biển xanh
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG