Kỳ 11: Con rồng ngẩng đầu bên bờ biển
> Bài 1: Nam quốc sơn hà
> Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”
> Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ
> Bài 4: Nước non vững bền
> Bài 5: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa
> Bài 6: Đưa những con tàu ra khơi
> Bài 7: Bạch Đằng Giang - Hào khí muôn đời
> Bài 8: “Chủ quyền lãnh thổ là bất biến”
> Bài 9: “Hãy tin tưởng ở chúng tôi”
> Bài 10: Tổ quốc bên bờ sóng: Vững vàng hậu phươngNhà báo Quang Minh, Báo Quảng Ninh, chỉ vào tấm bản đồ lớn của tỉnh rồi ví von: “Quảng Ninh như một con rồng nằm ngẩng đầu bên bờ biển và không lâu nữa, địa phương sẽ bay cao trên đôi cánh kinh tế biển đảo, vươn mình vạm vỡ bên bờ biển Đông...”.Đứng trên bờ sóng
Những ngày thực hiện loạt bài trên đất Quảng Ninh, theo kinh nghiệm của nhiều đồng nghiệp, chúng tôi di chuyển từ Trà Cổ về Quảng Yên chủ yếu bằng xe khách và tàu biển để cảm nhận hết vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Quảng Ninh. Đây là địa phương duy nhất trong cả nước có đường biên giới cả trên bộ lẫn dưới biển với Trung Quốc. Quảng Ninh có bờ biển dài 250km với hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ, chiếm 2/3 số đảo của cả nước.
Quảng Ninh như một con rồng ngẩng đầu bên bờ biển. Trong ảnh: Bến cảng Vân Đồn tấp nập thuyền đánh cá và thuyền du lịch cập cảng. Ảnh: K.VINH
Cũng từ biển, diện tích mặt nước lên đến 6.000km2, trên 40.000 ha bãi triều và 20.000 ha eo vịnh hình thành nên những ngư trường khai thác và vùng nuôi trồng thủy sản màu mỡ. Do có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế nên Quảng Ninh được Trung ương xác định là 1 trong 3 trung tâm kinh tế lớn trong vùng cùng với thủ đô Hà Nội và TP.Hải Phòng, làm đòn bẩy phát triển vùng Đông Bắc.
Nói đến Quảng Ninh, xưa nay nhiều người sẽ nghĩ đến loại khoáng sản đặc biệt là than. Tuy nhiên, với tình hình khai thác hiện tại, than không còn là mũi nhọn phát triển kinh tế địa phương. Thay vào đó, kinh tế biển đã và đang chứng tỏ vai trò to lớn của mình trong nỗ lực xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh phát triển tốp đầu cả nước. Từ xa xưa, nhiều thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để Quảng Ninh có được vị thế như ngày hôm nay. Từ TP.Móng Cái nhộn nhịp giao thương đến những Cẩm Phả, Hòn Gai, Hạ Long tấp nập tàu bè vận tải lớn... đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí tấp nập, hối hả làm việc, phát triển kinh tế. Đứng bên bờ sóng, Quảng Ninh đang duy trì vững vàng tốp 5 tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn nhất cả nước với hàng triệu USD từ nguồn lợi biển, đảo.
Có thể nói, Quảng Ninh là đặc trưng thu nhỏ rõ nét nhất cho vẻ đẹp và trù phú của biển đảo Việt Nam. Với sức sống bền bỉ, Quảng Ninh chống chọi thành công nhiều cuộc xâm lược từ phía biển của ngoại bang. Khi hòa bình lập lại, đất và người Quảng Ninh lại biết chắt chiu, tận dụng những lợi thế to lớn từ mẹ thiên nhiên ban tặng cho biển cả, cho vịnh Hạ Long, bến Vân Đồn, đảo Cô Tô… để ngày càng giàu mạnh hơn, góp phần khẳng định chủ quyền dân tộc bên cạnh láng giềng Trung Quốc đầy tham vọng bành trướng, bá quyền.
Phát huy thương hiệu biển
Có thể khẳng định, nói đến Quảng Ninh là nói đến biển. Biển là thương hiệu của vùng đất và là bệ phóng vững chãi để Quảng Ninh thực sự “hóa rồng”. Cũng có hệ thống cảng biển như một số địa phương ven biển trong khu vực phía Bắc, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống cảng biển của Quảng Ninh lại có những ưu thế vượt trội hơn rất nhiều bởi nhờ có vùng nước sâu, ít bị bồi lắng.
Mới đây, nhằm phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 cảng biển: Vạn Gia, Hải Hà, Mũi Chùa, Cẩm Phả, Hòn Gai và Quảng Yên. Bằng việc chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực đầu tư, những năm qua Quảng Ninh đã từng bước nâng cấp hệ thống cảng biển theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Trong 6 cảng biển, có 4 cảng là Vạn Gia, Mũi Chùa, Cẩm Phả, Hòn Gai đang khai thác với 21 cầu cảng, tổng chiều dài 3.451m, trong đó có 14 cầu chuyên dụng cho than, xi măng, xăng dầu, đóng tàu… còn lại là 7 cầu bốc dỡ hàng hóa tổng hợp.
Khu vực cảng biển Cẩm Phả đón tàu đến 7 vạn tấn, khu vực Hòn Gai đón tàu 5 vạn tấn. Trong đó, nổi bật là cảng Hòn Gai được xác định là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực và là cảng biển loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam, bao gồm khu bến tổng hợp container Cái Lân và các bến chuyên dùng vệ tinh khác. Ngoài ra, cảng Cái Lân cũng là một thương hiệu mạnh về cảng biển quốc tế. Trong các năm 2012 và 2013, cảng biển Quảng Ninh nằm trong tốp 3 cảng biển có lượng hàng hóa giao thương lớn nhất cả nước. Bấy nhiêu đó thôi cũng đã đủ nói lên sức mạnh to lớn của kinh tế cảng biển trong bức tranh phát triển chung của Quảng Ninh.
Du lịch tâm linh, văn hóa biển, đảo cũng là những đặc trưng mang đến thương hiệu biển Quảng Ninh. Đó là các dịch vụ rất đặc sắc và hấp dẫn như tham quan bãi cọc Bạch Đằng, miếu vua Bà, đền Trần Hưng Đạo, lễ hội chùa Long Tiên (Hạ Long), lễ hội đình Quan Lạn (Vân Đồn), lễ hội Tiên Công (Quảng Yên), lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả), lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái)… Những năm gần đây, ngành du lịch Quảng Ninh đã kết hợp tổ chức lễ hội với hoạt động quảng bá du lịch dưới các tên gọi “Lễ hội du lịch Quảng Ninh”, “Lễ hội Carnaval Hạ Long” thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Vịnh Hạ Long với 2 lần được UNESCO đưa vào di sản thiên nhiên thế giới, 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới… cũng là điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Kinh tế biển đảo của Quảng Ninh đang dần được khẳng định và tạo dấu ấn bởi những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng. Phát huy những lợi thế đó, Quảng Ninh đang phấn đấu phát triển kinh tế biển đảo tăng trưởng xanh để trở thành một con rồng vạm vỡ bên bờ biển, xứng đáng là một trong những đầu tàu kinh tế, du lịch đầy tự hào của Việt Nam.
Kỳ 12: Săn Sá Sùng trên biển Quan Lạn
KHÁNH VINH – KIẾN GIANG