Tổ quốc bên bờ sóng: Đoàn tàu bám biển Bùi Thanh Ninh

Cập nhật: 24-07-2014 | 00:00:00

Kỳ 22: Đoàn tàu bám biển Bùi Thanh Ninh

>>> Tiếp theo kỳ trước

Rời chiến trường Campuchia trở về với khí phách của anh bộ đội Cụ Hồ, ông Bùi Thanh Ninh (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định) đã bám biển, phát triển cơ nghiệp nghề cá từ hai bàn tay trắng. Tập đoàn nghề cá Bùi Thanh Ninh giờ đã có 10 chiếc tàu, hợp tác với 6 chiếc tàu khác, nâng tổng công suất lên hơn 6.000 CV.

Thành công từ nghĩ khác

Ông Bùi Thanh Ninh (Sáu Ninh) thống kê cho chúng tôi thấy, hiện Tập đoàn nghề cá của ông đang có tổng cộng 16 chiếc, tạo công ăn việc làm cho hơn 200 thuyền viên. Đội tàu chia làm 4 tổ khác nhau để đánh bắt xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bằng lưới vây khơi và hỗ trợ nhau lúc cần thiết. Tàu của ông là tàu công suất lớn, vừa đánh bắt vừa vận tải lương thực và cung ứng vật tư cho hậu cần nghề cá. Được biết, Tập đoàn nghề cá của Sáu Ninh đang phát triển mạnh nhất miền Trung với khả năng phối hợp nhịp nhàng trên biển và khai thác hiệu quả. Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến tận nhà ông Ninh để thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần bám biển, làm giàu từ biển của ông.  

Ông Sáu Ninh giới thiệu bản đồ ngư trường đánh bắt hải sản (ảnh nhỏ) và đóng tàu lớn, thay thế tàu cũ để vươn khơi, kiên cường bám biển

Sáu Ninh đi lên từ biển, bằng 2 bàn tay trắng. Phục viên trở về, ông cố chống chọi với cuộc sống nghèo khó bằng nghề đi biển. Những năm ấy, ngư dân Bình Định trúng cá chuồng vào quãng tháng 3 đến tháng 5 rất nhiều nhưng giá lại rẻ như bèo. Quyết chí, ông đi tìm đầu ra và phát hiện thị trường miền Bắc rất chuộng loại cá này. Bùi Thanh Ninh trở thành tay buôn cá chuồng với hàng trăm tấn cá mỗi mùa ra thị trường miền Bắc, xe chạy đến tận biên giới Việt - Trung giao cá.

Thành công với công việc buôn cá, ông Ninh lại tính chuyện đóng tàu đi biển. Ông gây bất ngờ bằng việc vay vốn ngân hàng 200 triệu đồng để đóng tàu. Tàu của ông cũng được đóng với kiểu rất khác. Thông thường người ta đặt trọn gói cho cơ sở nhưng ông Ninh lại tự mày mò, học hỏi rồi thiết kế, thuê thợ về mua vật liệu tự đóng. Chiếc đầu tiên ra khơi và đánh bắt ngon lành, mùa nào cũng về đầy khoang cá. Trả hết nợ ngân hàng, Sáu Ninh lại tiếp tục gom tiền liên tục đóng thêm tàu lớn, tàu nhỏ.

Tiếng lành đồn xa, “kỹ sư tay ngang” Bùi Văn Ninh liên tục được nhiều người trong vùng tìm đến đặt hàng đóng tàu. Từ đó, ông không chỉ kiếm vốn đầu tư đóng tàu cho mình mà còn đóng hàng trăm chiếc tàu khác cho ngư dân các tỉnh miền Trung. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định thường xuyên theo dõi các tàu đánh cá cho biết: “Kỷ lục nhất là các năm 2004-2005, anh Ninh đã đóng trên 100 chiếc tàu câu cá ngừ đại dương…”.

Kiên cường bám biển

Sáu Ninh mở bản đồ khai thác thủy sản Việt Nam ra chỉ cho chúng tôi biết, các đội tàu của ông đang ngày đêm bám biển ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Tàu của ông có công suất lớn từ 450 - 900 CV, các dịch vụ nghề cá đi kèm khép kín nên hiệu quả khai thác khá cao. Chính vì thế, Sáu Ninh luôn vững tâm khai thác cá ở các ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Ông nói: “Ngư trường của mình bấy lâu nay vẫn đánh bắt, cho dù có thế lực nào gây sự, làm khó đi nữa thì ngư dân chúng tôi vẫn cương quyết bám biển. Không bao giờ có chuyện nhụt chí…”.

Cách quản lý tàu của Sáu Ninh cũng được cho là khác người và rất hiệu quả. Làm chủ đội tàu lớn, nếu không khéo tính toán sẽ có nguy cơ làm ăn thua lỗ, phá sản. Theo ông, đã ra biển thì tài công (thuyền trưởng) là cực kỳ quan trọng. Nếu tài công có kinh nghiệm, giỏi chỉ huy, làm ăn chắc chắn có lãi. Vì thế, ông Ninh cho các thuyền trưởng được hưởng phần trăm bằng “ba lợi ích”: Bạn (đồng đều như tất cả lao động trên tàu), tài (lương thuyền trưởng), của (thuyền trưởng có cổ phần). Ông cho biết: “Anh em không có tiền hùn vốn, tôi cho họ mượn tàu. Mình phải trọng anh em như vậy, họ mới thủy chung và sống chết với mình ngoài biển cả. Anh tài công làm ra 10 đồng, được hưởng trọn 3 đồng, còn chủ tàu chỉ được hưởng 7 đồng, nhưng phải chi phí rất nhiều, đôi khi chỉ được hưởng 1 - 2 đồng thôi…”.

Không chỉ giúp ngư dân có việc làm và thu nhập ổn định, Sáu Ninh còn tương trợ cho vợ con họ trong bờ khi cần kíp. Chính vì thế, ai có việc cần đều chạy đến nhà Sáu Ninh xin giúp đỡ. “Ở các bạn tàu khác, trước khi đi biển nhiều thuyền viên đến ông chủ mượn tiền rồi xù luôn. Chỗ tôi thì khác, tôi giao cho ông thuyền trưởng 30 triệu đồng, ông cho ai mượn thì có trách nhiệm đòi. Làm vậy, anh em vừa ưng bụng vừa nâng cao uy tín của thuyền trưởng…”, ông Ninh nói. Mỗi khi tàu về không cho thu hoạch vừa ý hay thuyền trưởng chỉ huy không đúng, gây thiệt hại ông Ninh đều động viên, khích lệ rồi gặp riêng để chỉ ra cái sai, khiếm khuyết. Vì vậy, vừa giữ thể diện, vừa giúp cho thuyền trưởng vững tin cho chuyến ra khơi sau.

Nhờ cách nghĩ khác và làm khác nên Tập đoàn nghề cá Bùi Văn Ninh luôn ăn nên làm ra dù trải qua nhiều biến cố khác nhau trên biển. Mùa ra khơi, ông thu được hàng trăm triệu đồng lợi nhuận từ biển mỗi tháng. 200 con người gắn bó với ông cũng có đời sống ổn định với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người mỗi tháng. Ông Ninh cũng vinh dự được đại diện cho ngư dân Bình Định tham gia nhiều hội nghị, hội thảo lớn về ngư nghiệp.

Sự nghiệp Sáu Ninh dù trên bờ hay dưới biển đều gặt hái những thành công lớn. Người ta nói, ông thành công nhờ đầu óc biết tính toán khoa học, quyết đoán và sự cần cù, sáng tạo của người ngư dân. Ông là một hình mẫu làm giàu từ tình yêu biển, lòng quả cảm và sự quyết đoán, hào sảng của người dân vùng biển.

Kỳ 23: Làng đóng tàu cổ bên sông Thu Bồn

• KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=770
Quay lên trên