Tổ quốc bên bờ sóng: Dòng họ giữ sách chủ quyền

Cập nhật: 19-07-2014 | 00:00:00

Kỳ 18: Dòng họ giữ sách chủ quyền

>> Xem kỳ trước

Ở TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) có những trái tim yêu sách, giữ sách. Tình yêu ấy truyền thừa bao đời, để gần đây, anh Văn Như Mạnh bỗng phát hiện trong kho sách nhà mình có cuốn “Khải đồng thuyết ước”, tuổi đời 173 năm, có in “Quốc địa đồ” Việt Nam, trong đó thể hiện rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Sách cổ khẳng định chủ quyền

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, anh Văn Như Mạnh không giấu vẻ thận trọng. Anh bảo, từ ngày phát hiện quyển sách trong tủ sách gia đình, có rất nhiều người tìm đến hỏi nên anh phải cẩn thận, vì đây là cơ sở, là cứ liệu quan trọng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!  

Gia đình anh Văn Như Mạnh có truyền thống yêu nước và nhiều thế hệ yêu sách, đã giữ được cuốn sách làm bằng chứng, chứng minh chủ quyền đất nước

Sau khi biết chúng tôi là phóng viên Báo Bình Dương đang thực hiện loạt ký sự Tổ quốc bên bờ sóng, anh vui vẻ vào kho sách, mở két sắt cho chúng tôi tận mục sở thị cuốn sách cổ “Khải đồng thuyết ước”. Sách có bìa làm bằng mo cau, bên trong gồm 37 tờ nội dung. Sách được biên soạn năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) bởi nhà biên soạn Ngô Thế Vinh. Sau đó, sách được thừa tướng triều Nguyễn khi đó là ông Phạm Thục Trai thẩm định trước khi sử dụng để dạy cho trẻ em thời bấy giờ học chữ.

Điều đặc biệt là ở trang số 10 của “Khải đồng thuyết ước” có vẽ bức bản đồ mang tên “Quốc địa chí” thể hiện tất cả các tỉnh, thành trong cả nước từ Tuyên Quang đến Hà Tiên. Đáng chú ý, “Quốc địa chí” có cả Hoàng Sa và Trường Sa ở địa phận quốc nội, được miêu tả khá chi tiết bao gồm những hòn đảo lớn nhỏ. PGS.TS Phạm Thùy Vinh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm quốc gia cho biết: Cuốn “Khải đồng thuyết ước” là sách biên soạn dưới thời nhà Nguyễn, dùng để dạy học như một cuốn sách giáo khoa chính thống. Sách khẳng định chủ quyền không thể chối cãi được của dân tộc Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

4 đời gìn giữ sách

Chúng tôi xin phép anh Văn Như Mạnh thắp một nén hương trên bàn thờ tổ tiên nhà anh. Bàn thờ họ Văn ở Sầm Sơn nay đã là di tích cấp thành phố. Bởi, đây chính là dòng dõi hậu duệ của Lê Triều đại thần Tả Vệ Vương, Quốc công đại tướng Văn Tiên Sinh. Giữ được truyền thống khoa bảng, họ Văn nhiều đời làm quan qua các thời kỳ phong kiến khác nhau. Cuốn “Khải đồng thuyết ước” cũng được lưu giữ từ tay một vị quan họ Văn như thế.  

Anh Văn Như Mạnh với tấm “Quốc địa chí” trong sách “Khải đồng thuyết ước” khẳng định rõ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.

Năm 1835, ông Văn Đình Bứ, tức cao tổ của anh Mạnh được vua Tự Đức phong làm đội trưởng đội binh phu cai quản việc binh quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp sau đó, vào năm 1878 con của ông Bứ là ông Văn Đình Rẹ thi cử đỗ đạt, được bổ nhiệm làm quan dạy học và chấm thi. Mãi đến năm 1925 ông xin về nhà ở Sầm Sơn ngày nay để an dưỡng.

Không ai ngờ rằng, ông đồ Rẹ khi đó từ quan về quê đã mang một lượng lớn sách vở và truyền thống hiếu học, yêu sách cho các thế hệ con cháu về sau. Anh Mạnh nhớ lại: “Từ khi tôi bắt đầu biết đọc, biết viết dù trong nhà rất kham khổ do chiến tranh, đói kém nhưng không bao giờ thiếu sách. Sách trong nhà nhiều đến mức dù bỏ cả nửa đời đọc và nghiên cứu tôi cũng không thể nào nhớ hết!”.

Yêu sách, giữ sách nên qua bao đời, từ ông nội của anh Mạnh theo Bác Hồ đánh Pháp đến bố mẹ anh tham gia dân quân tự vệ chống Mỹ trên biển Sầm Sơn và đến đời anh đều giữ kho sách như giữ báu vật gia truyền trong nhà. Vì quá yêu sách nên anh Mạnh đã bỏ ra nhiều năm liền để học Hán - Nôm rồi về tự đọc, tự nghiên cứu kho sách của gia đình. Hiện kho sách của gia đình dù bị 2 lần cháy vì bom Mỹ dội xuống trong chiến tranh nhưng vẫn còn hơn 200 cuốn khác nhau, rất có giá trị.

Cuốn “Khải đồng thuyết ước” cũng được phát hiện trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm 2012, anh Mạnh huy động vợ và các con cùng hàng xóm đến mở sách ra phơi theo định kỳ. Trong lúc phơi, sách “Khải đồng thuyết ước” bị ẩm mốc nên anh phải lật phơi từng tờ. Đến trang số 10, anh ồ reo vui sướng vì thấy “Quốc địa chí” có in hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong địa phận quốc nội. Sau đó, anh Mạnh liền báo cho cơ quan chức năng niêm phong và thẩm định cẩn thận, giờ đã trở thành tài sản quốc gia, là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền đối với 2 quần đảo này của đất nước ta.

Bà Phạm Thùy Vinh cho biết: “Cuốn sách “Khải đồng thuyết ước” do gia đình anh Văn Như Mạnh gìn giữ là bản sao gần nhất đối với bản gốc được công bố trước đó nên là nguồn tư liệu cực kỳ quý giá khẳng định chủ quyền dân tộc trước những luận điệu vô căn cứ của Trung Quốc. Dòng họ nhà anh Văn Như Mạnh đã có công lớn trong việc gìn giữ cuốn sách cho đến ngày hôm nay”.

Tiễn chúng tôi lên xe đò xuôi Nam, anh Văn Như Mạnh xúc động nói: “Trung Quốc ỷ thế nước lớn, hạ đặt trái phép giàn khoan, tự tay vẽ lại bản đồ đường 10 đoạn trên biển Đông là vô căn cứ! Là người dân Việt Nam, tôi rất bức xúc nên có sách hay tài sản, vật dụng gì để chứng minh, đập tan luận điệu phi nghĩa của Trung Quốc, tôi đều nguyện dốc hết sức mình vì Tổ quốc…”.

Kỳ 19: Những trái tim của biển

KHÁNH VINH - KIẾN GIANG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=495
Quay lên trên