Kỳ 29: Gã “ngông” bỏ bờ, đóng tàu ra biển khơi
>> Xem kỳ trước
Mới 16 tuổi, Trần Văn Mười bắt đầu theo cha đi biển. Nhưng mấy cha con cứ quẩn quanh vài chiếc thuyền nan câu mực nên chán quá, anh bỏ biển lên bờ đi học đại học. Ra trường, Mười “ngông” kiếm được 16 - 20 triệu đồng mỗi tháng nhờ việc làm cho công ty nước ngoài. Ngông hơn nữa, anh bỏ bờ, bỏ nghề để đi biển trở lại…
Chuyến đi biển của anh Mười lần này mang một tư duy rất khác và một lối làm khác. Anh bàn với cha, tàu nhỏ công suất kém, chỉ đi chiều bữa trước hôm sau phải vào bờ, nhiều lần cha con ta không đủ trả “tổn” phải trốn nợ, bán tàu. Lần này, anh tích cóp được bao nhiêu vốn đã dồn vào đóng tàu lớn, ra khơi xa.
Anh Trần Văn Mười với khát vọng vươn khơi bám biển trở thành thế hệ ngư dân thành công của Đà Nẵng
Quãng những năm 2000, nghề câu mực khơi xa rất thịnh hành đối với ngư dân Đà Nẵng. Nói là làm, anh Mười cùng cha hạ thủy chiếc tàu lớn đầu tiên sau nhiều tháng huy động vốn từ Quỹ đầu tư Quốc gia. Nhưng tàu cũng chỉ có công suất 100CV, làm ăn trầy trật không đủ trả nợ. Máu và nước mắt đổ xuống biển khơi, tàu bị chủ đầu tư thu hồi, tay trắng lại hoàn tay trắng. Mất tàu nhưng không bỏ nghề, năm 2006, anh Mười lại gom 190 triệu đồng mua tàu cũ của người bạn đi khơi. Đến năm 2012, anh gây “sốc” bằng việc đóng tàu DNa 90567 công suất đến 1.000CV vươn khơi, làm giàu từ biển.
Đà Nẵng một trưa hè oi ả. Chúng tôi có dịp được tham quan tàu DNa 90567. Anh Mười cho biết, các loại máy móc chuyên dụng như ICOM 710, máy liên lạc tầm xa tích hợp định vị sóng HF… đều trang bị đầy đủ. Tàu thiết kế cho hoạt động câu mực khơi, cabin 2 tầng đủ chỗ ngủ cho 42 thuyền viên. Trên tàu có tivi màn hình lớn, radio. Để nâng cao thu nhập cho thuyền viên, anh chỉ hưởng 10% tổng doanh thu từng chuyến biển. Tuy nghề câu mực đang gặp khó khăn, song mọi người đều quyết tâm giữ nghề, bởi chỉ có câu mực mới bám biển dài ngày tại ngư trường xa bờ. Qua đó, cùng với việc đánh bắt hải sản, với lá cờ đỏ sao vàng lúc nào cũng tung bay trên nóc cabin, tàu là “cột mốc” xác lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa đại dương bao la.
Lúc dẫn chúng tôi đi tham quan tàu Dna 90567 cũng là thời gian anh Mười cho tàu về sau hơn 2 tháng bám biển câu mực ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Anh vui vẻ cho biết: “Tàu bọn tui lấy “tổn” ở âu thuyền Thọ Quang hết 500 triệu đồng nhưng về được hơn 3 tỷ đồng, lãi rất lớn. Chính vì thế, tui cũng có phần thu nhập khá, anh em thuyền viên ai cũng vui vẻ cả”.
Theo cha bám biển từ nhỏ nên những cơ cực, niềm vui trên biển anh Mười đều nếm trải. Anh tâm sự, khổ nhất là đi tàu trên biển công suất nhỏ. Nghe tin báo bão phải chạy, nhưng chạy hoài cũng khó tránh bão. Cùng với thiên tai, ngư dân đánh bắt xa bờ còn phải lo tránh “nhân tai”. Anh ngồi trên mũi tàu nhẩm đếm với chúng tôi: “Lúc còn đi tàu vài trăm CV, tui bị tàu nước ngoài đuổi, đâm va 8 - 9 lần. Có lần vừa thả thúng xuống cho anh em câu mực đã nghe tiếng còi hụ. Đến nơi khác, cũng bị gây hấn, có lần phải di chuyển đến đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận. Tôi bực quá bán tàu lên bờ về Đà Nẵng đóng con tàu DNa 90567 này…”. Nói đoạn, anh vỗ vào mạn con tàu bôm bốp, cười hào sảng.
Tàu DNa 90567 của anh Trần Văn Mười
Tuy nhiên, đóng tàu vỏ gỗ công suất 1.000CV vẫn chưa thỏa tham vọng của anh Mười. Đợt đi biển sắp tới, anh sẽ không lên tàu cùng 42 thuyền viên của mình. Anh cho biết, phải ở nhà lo bản vẽ, thiết kế cho con tàu cá vỏ sắt sắp tới. “Vốn đối ứng tôi đã có. Đi đánh bắt cá trên biển, nhiều lúc tàu lớn nước ngoài ỷ thế áp sát làm cho tàu gỗ của mình tròng trành tức lắm, nuốt giận vào lòng nuôi ý định đóng tàu to bám biển để không phải lo lắng…”, anh tâm sự.
Mẫu tàu mới thiết kế của anh Mười có chiều dài 27m, rộng 7,6m, cao 3,2m, tổng trọng tải trên dưới 200 tấn, với công suất lên đến 1.000CV, chuyên nghề chụp mực vươn khơi. Theo anh Mười, con tàu dự toán có tổng kinh phí khoảng trên dưới 12 tỷ đồng, với trang thiết bị ngư lưới cụ hiện đại vào loại bậc nhất. Anh tự hào: “Ngư dân thừa bản lĩnh, thừa khát vọng, nhưng cái chính họ thiếu vốn. Giờ nếu vay được tiền lãi suất thấp, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đội tàu thép trong tương lai gần…”.
Anh Nguyễn Tú, người bạn đồng hành cùng chúng tôi ra âu thuyền Thọ Quang cho biết, nói về độ “ngông” của Trần Văn Mười, cả ngàn ngư dân Đà Nẵng phải nể. Bởi lúc chưa ai dám bỏ 4 tỷ đồng ra đóng tàu câu mực, anh Mười lại dám làm. Và giờ, nghe Chính phủ có chủ trương, anh Mười là một trong những người tiên phong đi đầu. Đó cũng là tinh thần bất khuất của dân đi biển.
Chúng tôi chia tay âu tàu Thọ Quang, chia tay gã “ngông” Trần Văn Mười cùng bán đảo Sơn Trà kiêu hãnh vươn mình bên bờ biển. Xin chúc cho anh và những dự định tốt đẹp trên biển thành công. Sự thành công ấy không chỉ minh chứng cho tinh thần tiến về biển Đông của người Việt mà còn là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo bất biến của Tổ quốc.
Kỳ 30: Nhớ Quang Trung ngày ấy…
KHÁNH VINH – KIẾN GIANG