Tổ quốc bên bờ sóng : Ký ức một chuyến tàu không số

Cập nhật: 28-07-2014 | 00:00:00
Kỳ 25: Ký ức một chuyến tàu không số

 

>> Xem tiếp kỳ trước

Đồ Sơn - Hải Phòng một buổi sáng nắng hanh hao. Từng cơn gió biển ùa về, sóng vỗ rì rào hòa lẫn tiếng cười vui của du khách. Phía cuối con đường ven biển sừng sững những ngọn núi mọc lên giữa biển, càng làm cho thiên nhiên nơi đây đẹp như tranh thủy mặc. Xa xa là những bãi tắm, bến cảng tấp nập… Và, xa hơn chút nữa là một di tích lịch sử mang mật danh K15, “cây số 0” của đường Hồ Chí Minh trên biển. Nơi đây, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có hàng trăm con tàu không số vượt sóng, ra đi…

 

Tàu 69 - bản hùng ca trên biển

Những ngày tháng 7, lòng dân cả nước đều hướng về biển Đông. Tự hào thay dân tộc Việt Nam - khi Tổ quốc cần thì tất cả đều nhìn về một hướng. Tới đâu, chúng tôi cũng nghe mọi người nhắc tới cụm từ “Biển đảo quê hương”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam…” với một tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng… Nắng mùa hè chói chang. Trên đường phố Hải Phòng, thỉnh thoảng bỗng thấy các cụ già lom khom gánh những hàng hoa bán dạo. Thật lạ. Chắc chỉ có thành phố này mới thấy có người gánh hoa tươi bán những trưa hè. Loanh quanh trong con hẻm, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Xuân Khảm, nguyên thủy thủ tàu 69 - con tàu anh hùng.

   Di tích tàu không số tại Bảo tàng Hải quân Việt Nam

Ông Khảm năm nay khoảng 70 tuổi nhưng trông còn khỏe mạnh, khuôn mặt toát lên nét can trường của người lính biển năm xưa. Biết chúng tôi đang viết về biển đảo, ông nhiệt tình tiếp đón. Ông nói: “Biển là cả cuộc đời của chúng tôi, hào hùng và vinh quang, cũng là nơi chứa đựng bao đau thương, mất mát. Chỉ có biển mới biết máu của các chiến sĩ tàu không số đổ xuống như thế nào. Có những con tàu ra đi mà không trở về, xương máu bộ đội mãi mãi hòa tan trong biển…”. Đôi mắt ông Khảm chợt sáng lên khi kể cho chúng tôi về một chuyến tàu vượt sóng vào Nam năm ấy. Sau này con tàu được mang số hiệu là tàu 69 nhưng hồi đó thì không có số hiệu.

Một đêm tối trời ngày 15-4-1966, tàu 69 của đơn vị ông gồm 16 cán bộ, chiến sĩ được lệnh xuất phát từ K15 Đồ Sơn chở vũ khí vào Nam, dự định sẽ cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) sau 10 ngày. Trên hành trình vượt biển, tàu của đơn vị ông đã bị địch phát hiện, máy bay Mỹ liên tục đeo bám, nhưng bằng sự thông minh, mưu trí của đoàn nên cuối cùng tàu vẫn đến đích. Và chỉ trong một đêm tại Rừng Đước (Càu Mau), toàn bộ 72 tấn vũ khí đã được du kích vận chuyển lên bờ an toàn. Mọi người vui mừng ôm siết nhau vì nhiệm vụ vô cùng khó khăn đã hoàn thành. Sau một ngày nghỉ ngơi, đơn vị ông Khảm chia tay bộ đội địa phương đưa tàu trở về miền Bắc. Tuy nhiên, đi thì trọn vẹn nhưng trở về lại là một cuộc chiến đấu ác liệt. Ông Khảm kể lại: “Đêm ngày 1-1-1967, lợi dụng địch đang đón Tết dương lịch, đoàn chúng tôi cho tàu xuất phát. Tàu đi xa bờ chừng 20 hải lý thì bị lộ và một trận hải chiến ác liệt đã diễn ra ở vùng biển phía đông nam mũi Cà Mau giữa tàu 69 và một lực lượng đông đảo tàu chiến, máy bay của hải quân Mỹ. Sau 3 giờ chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mặc dù con tàu bị hư hại rất nặng, 9/16 cán bộ chiến sĩ hy sinh và bị thương nhưng cuối cùng cũng đưa được tàu trở lại nơi xuất phát, cất giấu an toàn trong căn cứ…”.

Có một “La Văn Cầu trên biển”

Đôi mắt ông Khảm ánh lên như có lửa và những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má khi ông kể cho chúng tôi về một câu chuyện rất bi hùng: “Sau khi tàu 69 quay trở lại Vàm Lũng, địch đã điên cuồng rải chất độc hóa học trên quy mô lớn nhằm lùng sục, tìm kiếm con tàu suốt 3 năm trời. Ngày 11-9-1969, địch cho một tốp trực thăng đổ quân xuống khoảng đất trống gần khu vực ta giấu tàu. Tổ trực chiến ở đây chỉ có 3 người là Hoàng Thanh Loan, Phùng Văn Quý và Lưu Kim Nhật. Trận chiến diễn ra ác liệt và quân ta hết đạn, phải rút lui. Trên đường rút, không may chiến sĩ Hoàng Thanh Loan bị thương và bị bắt…”. Giọng ông Khảm trở nên nghẹn ngào: “Sau khi địch rút đi, anh em quay lại tìm Loan thì thấy Loan đã hy sinh…!”.

Theo ông Khảm, khi khâm liệm thi thể anh Loan, mọi người phát hiện anh chỉ bị duy nhất một vết đạn ở khoảng giữa nách. Như vậy, có thể khẳng định rằng, anh không chết vì vết thương nhỏ đó mà do bọn địch đã tra tấn anh bằng những đòn thù tàn độc hòng khuất phục anh khai ra nơi giấu tàu 69. Trước ý chí kiên cường, bất khuất của anh, địch đã điên cuồng sát hại anh rất man rợ. Sự hy sinh của anh Loan khiến mọi người rất xúc động. Anh lấy cái chết để bảo vệ bí mật cho con tàu và con đường vận tải chiến lược trên biển. Ông Khảm cho biết thêm, hiện ông đang hoàn tất hồ sơ gửi cấp chính quyền, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho anh Hoàng Thanh Loan. Chúng tôi cầu mong cho nghĩa cử của ông được thành công.

Trên chuyến tàu 69 còn có một câu chuyện rất anh hùng. Quay lại trận hải chiến trên biển, khi tàu xuất phát bị lộ, ông Khảm kể tiếp: “Ngay từ phút đầu, ta dùng súng B40, DKZ và pháo 12 li 7 bắn vào đội hình địch. Đòn phủ đầu này khiến một tàu địch bốc cháy. Chúng điên cuồng bao vây, nhả đạn vào tàu 69 khiến tàu ta cũng bị cháy. Thêm nhiều đồng chí bị thương, trong đó đồng chí báo vụ Phan Hải Hồ bị đạn xé nát bàn chân, máu chảy lênh láng. Vậy nhưng anh Hồ không hề nao núng, lê bàn chân chỉ còn lớp da dính ngoài ôm súng bắn trả địch! Có lẽ bàn chân gãy khiến anh vướng víu nên khi thuyền phó Nguyễn Hấn đi tới, anh Hồ đề nghị chặt giúp bàn chân cho khỏi vướng để chiến đấu tiếp!”. Ông Khảm nhớ lại, lúc này đạn địch vẫn bắn như mưa, ông nghe rõ tiếng đồng chí bí thư chi bộ hô to: “Hãy chiến đấu trả thù cho đồng đội. Hãy chiến đấu dũng cảm như đồng chí Phan Hải Hồ!”. Lúc này, anh Hồ tuy đau đớn nhưng vẫn lê đi, điểm từng loạt đạn rất chuẩn. Đồng chí chính trị viên thấy thế rất cảm động, nói to: “Nhân danh bí thư chi bộ, tôi tuyên bố, từ giờ phút này đồng chí đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng!”. Đáp lời đồng chí bí thư, từng loạt đạn quân ta nổ ran và cuối cùng đã đưa được tàu trở lại căn cứ an toàn… Quê hương anh Hồ ở Nam Định. Rất tiếc, khi chúng tôi tìm đến lại không gặp được anh. Nhắc đến chuyện anh Hồ, người dân Nam Định gọi anh là “La Văn Cầu trên biển” đầy tự hào.

Câu chuyện với ông Khảm còn dài như ký ức khôn nguôi của ông về chuyến tàu không số năm ấy. Chia tay ông, trong lòng chúng tôi dâng tràn một tình cảm tri ân đối với những thế hệ người đi trước. Cảm ơn ông đã kể những câu chuyện về biển quá đỗi hào hùng, bi tráng và đầy cảm động này.

Kỳ 26: Thêm một câu chuyện về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

 KIẾN GIANG - KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên