>>> Tiếp theo kỳ trước
Kỳ 31: Nối những mùa vui
Xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) trong một ngày hè rực nắng, ắp tiếng cười vui rộn rã. Những khuôn mặt rạng rỡ thấp thoáng sau những đôi tay vạm vỡ chắc tay câu, tay lưới từ ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa trở về. Mùa vui đang nối những mùa vui đến cùng những thông tin hợp tác từ những người bạn Nhật…
Bám biển với cá ngừ đại dương
Chúng tôi len lỏi giữa những tuyến đường khang trang, sạch sẽ giữa các thôn xóm của xã Tam Quan Bắc với lời giới thiệu rất lạ của một nữ đồng nghiệp chuyên viết về biển đảo: “Đây là xã miền biển mà tôi thấy lạ nhất từ Bắc chí Nam. Họ sống hào sảng và xây dựng kinh tế biển rất chắc…”. Quả vậy, xã Tam Quan Bắc không chỉ có trụ sở khang trang, các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại… phát triển đồng bộ mà còn có sức mạnh rất lớn về ngư nghiệp. Tam Quan Bắc một trưa hè, hai bên đường tràn ngập những chiếc xe máy hạng sang và cả xe hơi đắt tiền.
Ngư dân xã Tam Quan Bắc đóng tàu công suất lớn câu cá ngừ đại dương tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa
Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc Phạm Ngọc Bảo cho chúng tôi biết, thu nhập bình quân đầu người của xã những năm gần đây liên tục tăng cao nhờ nghề câu cá bò gù, hay còn gọi là câu cá ngừ đại dương. Chỉ riêng trong năm 2013, toàn xã có đến 723 tàu đánh bắt hải sản, tổng công suất lên đến 161.000CV. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt sản lượng lên đến 6.730 tấn. Chúng tôi làm phép tính nhẩm nhanh: Nếu mỗi kg cá ngừ có giá 70.000 - 80.000 đồng, số tiền thu về của ngư dân Tam Quan Bắc phải lên đến hơn 500 tỷ đồng mỗi mùa câu cá ngừ - một con số hấp dẫn từ đại dương.
Ông Bảo cho biết thêm, trong những năm qua do liên tục trúng mùa câu cá ngừ đại dương nên xã có thêm nhiều tỷ phú. Được đưa ra tận cầu cảng để đón thuyền về, chúng tôi may mắn được gặp nhiều chủ tàu câu cá ngừ đại dương cập bến. Nhờ liên tục nâng cấp và hiện đại hóa đội tàu, nên ngư trường của ngư dân Tam Quan Bắc liên tục được mở rộng. Từ chỗ chỉ dùng tàu nhỏ câu cá ở những vùng biển Đà Nẵng - Khánh Hòa, nay thuyền của ngư dân Tam Quan Bắc đã vươn xa, hoạt động chủ yếu ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Anh Nguyễn Văn Dinh, một chủ tàu câu cá ngừ đại dương chia sẻ: “Từ đầu năm, chúng tôi thực hiện 3 chuyến đi câu cá ngừ. Dù gặp nhiều tàu cá của các nước gây chuyện nhưng chúng tôi vẫn liên tục câu được mỗi chuyến 30 - 40 con. Nhờ thế, anh em thuyền viên đi chuyến nào về cũng thu nhập khá…”. Quả vậy, những ngày này đi đến đâu ở Tam Quan Bắc chúng tôi cũng gặp những nụ cười sảng khoái với niềm vui được mùa, được giá cá ngừ đại dương.
Nghĩa tình đại dương
Bám biển và làm giàu từ biển, những ngư dân của Tam Quan Bắc càng thêm vui mừng khi có sự hỗ trợ rất lớn từ những người bạn Nhật Bản. Đại dương rộng lớn không chỉ ôm đất mẹ bao la vào lòng, mà còn mang nặng nghĩa tình, đưa những người bạn Nhật đến với ngư dân Việt Nam. Theo lời mời của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, hai chuyên gia Nhật Bản là ông Hirosuke Kato và ông Masakazu Shoga đã bay từ Osaka (Nhật) sang Việt Nam rồi ra Quy Nhơn để trực tiếp hướng dẫn ngư dân Tam Quan Bắc cách đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương.
Đánh bắt cá ngừ đại dương mang lại nguồn lợi to lớn, giúp ngư dân bám biển, làm giàu từ biển
Không chỉ hỗ trợ cho ngư dân Tam Quan Bắc dùng thử 5 bộ cần câu hiện đại của Nhật, hai chuyên gia còn hướng dẫn sử dụng bộ câu, cách câu, cách sử dụng thiết bị để giữ con cá ngừ còn sống lên boong tàu, cách lấy sạch máu cá và làm lạnh đột ngột để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật. Nếu tuân thủ các quy trình này, cá ngừ đại dương của ngư dân Tam Quan Bắc câu được sẽ được nâng cao giá trị thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn An, chủ tàu BĐ 96776 TS, thôn Tân Thành II, cho biết: “Theo phương pháp sơ chế và ướp lạnh trong hầm tàu của các ngư dân Nhật chỉ giúp, tàu của tôi đi được 3 chuyến biển, bình quân đạt 4,5 tấn/ chuyến. Sản phẩm cá ngừ đưa về bờ được Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định mua lại với giá cao hơn 20% giá thị trường cùng thời điểm. Vừa rồi, giá cá ngừ các tàu khác được thu mua 80.000 đồng/kg, theo phương pháp mới, chúng tôi bán được 96.000 đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn, ngư dân rất phấn khởi…”.
Theo ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, việc thu mua thông qua Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định chỉ là giải pháp trước mắt. Cá sau khi thu mua sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không vào TP.HCM rồi xuất sang Nhật để bảo đảm không quá 10 ngày. Cá ngừ đại dương do ngư dân Tam Quan Bắc khai thác được bán tại chợ đấu giá hải sản Nhật với giá khởi điểm 10 USD/kg. Bằng phương pháp mới của phía Nhật, giá trị thương phẩm con cá ngừ đại dương của ngư dân xã Tam Quan Bắc đánh bắt tăng lên nhiều lần. Cũng theo ông Lộc, trong tương lai phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ hàng ngàn bộ câu khác và bảo đảm bao tiêu sản phẩm cá ngừ đại dương từ Việt Nam.
Một thông tin khác không thể vui hơn, đó là việc chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ tàu câu cá ngừ đại dương đóng bằng vật liệu composite hiện đại với công nghệ hoàn toàn mới. Từ đây, các ngư dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ có cơ sở vững chắc để cùng các đội tàu cá vỏ sắt vươn khơi, bám biển, phấn đấu đạt mục tiêu 1,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương. Không chỉ tàu hiện đại, công nghệ câu, bảo quản cá ngừ đại dương cũng rất hiện đại, khác hoàn toàn so với phương pháp dùng vồ đập chết cá rồi vùi trong đá lạnh như ngư dân ta lâu nay vẫn làm…
Nghĩa tình không chỉ bên con cá ngừ đại dương, nó còn đến từ nhiều thông tin về sự hợp tác toàn diện trong mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản. Và, những ngày này về với ngư dân Tam Quan Bắc, ngư dân miền Trung, mới thấy hết được niềm tin vững chắc vào những mùa vui nối tiếp, giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần giữ vững ngư trường, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Kỳ 32: Ngẩn ngơ sóng nước Xuân ĐàiKHÁNH VINH - KIẾN GIANG