Kỳ 20: Sức sống Sầm Sơn
>>> Tiếp theo kỳ trước
Được thành lập trên cơ sở tách ra từ các xã của huyện có truyền thống cách mạng Quảng Xương (Thanh Hóa), giờ đây TX.Sầm Sơn đang cho thấy sức sống mãnh liệt của một đô thị trẻ bên bờ biển sóng…
TX.Sầm Sơn phát triển mạnh du lịch biển
Vươn vai từ biển
Sầm Sơn một chiều sóng vỗ, chúng tôi rời TP.Thanh Hóa đi về hướng đông, qua nhiều khu, cụm công nghiệp quan trọng của Thanh Hóa. Vừa qua thị trấn Quảng Xương vài cây số đã nghe đâu đó trong gió hương vị biển. Đô thị Sầm Sơn trong quá khứ không xa chỉ là những làng chài nhỏ ven biển, nơi có bến cảng nghĩa tình nổi tiếng, là điểm tập kết đồng bào, chiến sĩ miền Nam ra Bắc năm 1954.
Mãi đến đầu thế kỷ XX, Sầm Sơn vẫn chưa có tên trên bản đồ Việt Nam, vùng đất này thuộc Quảng Xương và có dãy núi Gầm án ngữ. Đến năm 1907, người Pháp mới chú ý tới tiềm năng du lịch của Sầm Sơn, phát triển địa phương này thành điểm du lịch cho quan lại người Pháp và vua quan triều Nguyễn. Mảnh đất Sầm Sơn dường như thực sự trở thành điểm đến du lịch với chuyến thăm lịch sử của Bác Hồ vào năm 1960. Khi đó, Bác không chỉ đến với bãi biển Sầm Sơn xanh mát thơ mộng mà còn nghỉ lại ở chùa Cô Tiên và yêu cầu, phải phát triển vùng đất xinh đẹp này thành một điểm du lịch biển tầm cỡ. Đến năm 1981, TX.Sầm Sơn được chính thức thành lập, vươn vai trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.
Ông Lê Văn Hinh, Trưởng phòng Kinh tế TX.Sầm Sơn cho biết: “Chúng tôi phát triển mạnh du lịch biển, xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, Sầm Sơn đón 2,07 triệu lượt khách, phục vụ ăn, nghỉ cho 3,23 triệu ngày khách, doanh thu ước đạt 1.028 tỷ đồng…”. Tuy nhiên, ông Hinh cũng cho biết, nguồn thu kinh tế của TX.Sầm Sơn không chỉ đến từ du lịch biển. Hiện toàn thị xã có hơn 1.000 phương tiện đánh bắt hải sản gần bờ, xa bờ. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2013 đạt hơn 20.000 tấn, giá trị khai thác thủy sản lên đến gần 500 tỷ đồng.
Những mẻ cá về đầy khoang càng thôi thúc ngư dân Sầm Sơn quyết tâm bám biển, vươn khơi giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương
Sầm Sơn, cái doi đất nhoi ra như một mũi dùi vươn về phía biển, từng gánh không biết bao nhiêu mưa bom, bão đạn trong chiến tranh, giờ đây đang ngày càng tươi xanh, vươn mình vạm vỡ bên bờ biển. Không chỉ phát triển du lịch biển, du lịch tâm linh, ngày ngày hàng trăm con tàu của ngư dân Sầm Sơn vươn khơi, bám biển góp phần giữ vững chủ quyền dân tộc bằng các nghề đánh bắt hải sản rất đa dạng như lưới kéo đôi, lưới rê, lưới vây, nghề câu-mành chụp…
Chúng tôi bắt gặp ngư dân Hoàng Văn Tiến ở phường Quảng Tiến vừa ra khơi trở về theo lịch con trăng. Anh bảo, cha ông mình đời đời bám biển, sống theo biển nên không sợ những hành động xâm phạm chủ quyền, đe dọa ngang ngược của thế lực bành trướng nào đó hù dọa. Sầm Sơn có hàng trăm tàu thuyền công suất lớn, luôn ngày đêm hợp sức với ngư dân cả nước bám lấy ngư trường truyền thống, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát huy kinh tế biển
Ngoài du lịch biển, gần đây Sầm Sơn còn mở nhiều loại hình vui chơi giải trí khác để thu hút du lịch như: Khu du lịch văn hóa - vui chơi giải trí, Khu tưởng niệm huyền thoại thần Ðộc Cước, Khu nhà luyện tập và thi đấu thể dục thể thao tổng hợp, Khu sinh thái Quảng Cư, Khu du lịch văn hóa núi Trường Lệ… Hiện thị xã đã có gần 500 cơ sở nhà nghỉ, khách sạn với hơn 7.000 phòng nghỉ, bảo đảm đón từ 18.000 - 23.000 lượt du khách/ngày và bình quân mỗi năm đón khoảng từ 2,2 đến 3,5 triệu lượt du khách gần xa.
Tuy nhiên, mục tiêu của TX.Sầm Sơn còn xa hơn nữa. Bởi trong những năm qua dù đã cố gắng phát huy thế mạnh nhưng TX.Sầm Sơn vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ông Lê Văn Hinh vui vẻ đưa chúng tôi xem đề án phát triển thủy sản Sầm Sơn giai đoạn 2013-2015, định hướng phát triển đến năm 2020 và cho biết: “Biển Sầm Sơn rộng lớn bao la là nguồn cung cấp các loại thủy sản có giá trị như tôm, cua, cá, mực. Chính vì thế, từ năm 2008 đến nay, số lượng phương tiện đánh bắt cá chỉ có tăng chứ không giảm. Đáng chú ý, lượng tàu thuyền có công suất trên 400CV ngày càng nhiều, đến nay đã tăng lên 50 chiếc, tổng công suất lên đến 22.860CV…”.
Nhờ đổi mới phương thức khai thác thủy sản và nâng cao công suất tàu đánh bắt nên ngư dân Sầm Sơn liên tục trúng những mùa đánh bắt hải sản lớn để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Hiệu quả của các nghề lưới vây, nghề lưới kéo đôi, nghề lưới rê, khai thác ven bờ… đều ngày một nâng cao. Do nhu cầu sản xuất, những năm gần đây nghề dịch vụ khai thác cũng được ngư dân Sầm Sơn quan tâm, đầu tư phát triển. Đến nay, toàn TX.Sầm Sơn đã có 8 cơ sở chế biến dạng cấp đông với 11 kho cấp đông, mỗi kho có công suất từ 4,5 - 5 tấn/mẻ/… Trong những năm gần đây, dù còn non trẻ nhưng các doanh nghiệp đóng tàu Sầm Sơn cũng được thành lập và thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, đóng mới tàu cho bà con ngư dân vươn khơi, bám biển. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để ngành thủy sản Sầm Sơn phấn đấu tăng trưởng và phát triển mạnh hơn.
Những ngày lưu lại ở Sầm Sơn, chúng tôi được cảm nhận vẻ mặn mòi của biển, tinh thần hừng hực bám biển, vươn khơi của ngư dân Sầm Sơn. Sự phát triển không ngừng của TX.Sầm Sơn cũng là một minh chứng sống động cho sự giàu đẹp, nhiều tiềm năng của biển đảo đất nước. Ở đó, sự ưu ái của mẹ thiên nhiên đã được tinh thần yêu biển, bám biển của người dân tận dụng để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Kỳ 21: Người lính trở về từ hải chiến Gạc Ma
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG