Tổ quốc bên bờ sóng: “Tắt muôn đời chiến tranh”

Cập nhật: 01-07-2014 | 00:00:00

Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”

Bài 1: Nam quốc sơn hà

Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, có một trận đánh đã làm ngỡ ngàng những nhà viết sử mọi thời đại. Đó là chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, trận đánh góp phần kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo. Bình Ngô đại cáo có câu: Lạng Sơn, Lạng Giang thây phơi đầy đường/ Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước… chính là nói về trận đánh oanh liệt này.

 

Cánh đồng Xương Giang hôm nay, nơi trước đây diễn ra trận đánh tiêu diệt toàn bộ viện binh của nhà Minh

Bạt vía quân thù

Chúng tôi đến Bắc Giang trong thời điểm Trung Quốc tiếp tục đưa thêm giàn khoan ra biển Đông. Biết chúng tôi đang thực hiện loạt bài viết về chủ quyền lãnh thổ đất nước, anh Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang rất vui. Anh cho biết, Bảo tàng Bắc Giang cũng đang chuẩn bị cho dự án trưng bày các hiện vật về chủ quyền biển đảo. “Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta. Cả nước đang nhìn về phía biển…”, anh Khoa khẳng định!

Là người nghiên cứu về lịch sử, anh Khoa đồng tình với chúng tôi khi biết chúng tôi đang viết về truyền thống đánh giặc phương Bắc của cha ông, đặc biệt là vào thời điểm này. Anh cho rằng, viết về chiến tranh không phải để đào sâu hay đay nghiến lịch sử mà để nêu cao tinh thần quật cường, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, để chiến tranh tàn ác, chết chóc không có nguy cơ lặp lại...

 

Bia đá khắc ghi vết tích còn lại của thành Xương Giang

Bắc Giang thường được coi là đất biên thùy, phên dậu của nước Việt, có vị trí địa lý cực kỳ hiểm yếu về mặt quân sự. Từ đây đi lên khoảng 100km là giáp biên giới Việt - Trung và xuôi về khoảng 50km là thủ đô Hà Nội. Giao thông để nối các địa danh này chỉ có một tuyến đường độc đạo, xưa gọi là đường thiên lý. Đường thủy thì chỉ có sông Thương. Trong lịch sử, khi xâm lược nước ta, các thế lực phương Bắc thường hành binh qua con đường thiên lý này.

Năm 1427, nhà Minh sau 20 năm đô hộ tàn khốc Đại Việt đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn trước quân khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo. Tuy nhiên, chúng vẫn không chịu bãi binh, cứ bám riết với dã tâm sẽ đè bẹp quân khởi nghĩa. Để cứu nguy cho chủ soái Vương Thông đang bị quân ta bao vây ở thành Đông Quan (Hà Nội), nhà Minh điều 15 vạn viện binh, chia làm hai đạo tiến vào nước ta. Một đạo do Liễu Thăng chỉ huy gồm 10 vạn quân từ Quảng Tây tiến sang, đạo thứ hai do Mộc Thạch cầm đầu tiến từ Vân Nam xuống. Nhận được tin báo, bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn quyết định vây chặt thành Đông Quan, chuẩn bị tiêu diệt quân tiếp viện, đồng thời ra quyết tâm hạ cho được thành Xương Giang (thuộc phường Xương Giang, TP.Bắc Giang ngày nay) nằm trên trục đường thiên lý nhằm mục đích không để quân viện binh của địch và quân ở trong thành hội sư.

Ngày 10-10-1427, quân địch tiến tới núi Mã Yên (Lạng Sơn), Liễu Thăng cho quân vượt qua cánh đồng lầy nằm giữa hai mỏm núi. Đang lúc địch bị sa lầy thì phục binh của ta từ bốn hướng xông ra đánh quyết liệt. Toàn bộ quân tiên phong địch bị tiêu diệt, chủ tướng Liễu Thăng bị chém rụng đầu ở núi Mã Yên. Bình Ngô đại cáo viết “Đánh một trận, sạch không kinh ngạc/ Đánh hai trận, tan tác chim muông…” là vậy. Mặc dù thất bại nặng nề, nhưng lực lượng địch vẫn còn đông, lúc này Thôi Tụ lãnh quyền chỉ huy thay thế Liễu Thăng, tiếp tục tiến về Xương Giang, hy vọng sẽ hội với quân Minh ở trong thành. Tuy nhiên, khi gần đến Xương Giang, Thôi Tụ mới ngã ngửa khi biết thành Xương Giang đã bị ta phá tan tành. Quân Minh đành co lại giữa cánh đồng Xương Giang phòng thủ trong tuyệt vọng, run sợ. Riêng đạo quân do Mộc Thạch chỉ huy, sau khi nghe tin Liễu Thăng bị chém đầu đã bỏ chạy về nước.

Ngày 3-11-1427, Lê Lợi ra lệnh tổng công kích quân địch tại cánh đồng Xương Giang. Trận đánh diễn ra quyết liệt. Toàn bộ quân Minh đều bị ta tiêu diệt. Thôi Tụ, Hoàng Phúc bị bắt sống. Bình Ngô đại cáo lại viết: Gió mạnh thổi, lá khô trút sạch.../ Đô đốc Thôi Tụ quỳ gối chịu tội/ Thượng thư Hoàng Phúc trói tay nộp mình.

Sau trận đánh này, Vương Thông đang cố thủ ở thành Đông Quan kinh hồn, bạt vía phải xin đầu hàng, nhà Minh buộc phải bãi binh xin rút quân xâm lược về và thừa nhận chủ quyền độc lập của Đại Việt. “Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh được cấp mấy ngàn ngựa, đã về nước mà còn ngực đập chân run”, Bình Ngô đại cáo.

“Sửa hòa hiếu cho hai nước”

Trong 20 năm đô hộ nước ta, nhà Minh đã đề ra chính sách cai trị rất tàn khốc. Sử còn ghi lại: “…Thiết lập các nha môn thu thuế, khai mỏ, mò vét ngọc trai; xây dựng thành lũy trấn giữ các nơi hiểm yếu, tăng cường trấn áp các vệ, sở; lùng bắt người Việt có tài đưa về Trung Quốc đào tạo quan lại tay sai; hạn chế học hành, đốt sách vở của Đại Việt. Bắt dân thay đổi phong tục”. Thật là sự cai trị bạo ngược và thâm độc! Bởi thế, sau chiến thắng Xương Giang, nhân dân và tướng sĩ của ta xin được giết hết kẻ địch để trả thù những tội ác mà chúng gây ra với nhân dân ta trong thời gian đô hộ. Nhưng Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã trả lời rằng: “Phục thù báo oán đó là thường tình của người ta, không thích giết người đó là bản tâm của kẻ nhân giã và người ta đã hàng mà lại giết thì không còn gì không lành hơn nữa. Để hả mối giận một sớm mà mang tiếng giết hàng muôn đời thì sao bằng sức sống vạn người mà hết mối chiến tranh cho hậu thế. Khiến sử sách ghi chép, nghìn thuở lưu thơm, như thế chẳng là lớn lao sao”. Nói rồi, Lê Lợi liền cho 500 chiến thuyền, cấp cho lương thảo để hơn 30 vạn quân giặc rút về nước. Từ đây, Đại Việt ta dứt mối can qua, khôi phục sơn hà, yên hưởng thái bình.

Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang thêm một lần nữa khẳng định tư tưởng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đỉnh cao của nghệ thuật quân sự “vây thành diệt viện”, cha ông ta luôn nêu cao đạo lý, nhân đạo với kẻ thù, “không nói đến việc đánh thành mà lại khéo léo nói đến việc đánh vào lòng người”, đánh bằng ngoại giao “phạt mưu phạt giao”, “mưu phạt tâm công”… đã được Nguyễn Trãi nêu rõ: Sửa hòa hiếu cho hai nước/ Tắt muôn đời chiến tranh/ Chỉ cần vẹn đất cốt sao an ninh.

Thế nhưng, đạo lý sáng ngời chính nghĩa của dân tộc Việt Nam luôn đứng trước những thách thức vô lý. Từ đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, luật pháp quốc tế ngang nhiên xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Họ đã quên đi truyền thống hòa hiếu, hữu nghị của cha ông ta thuở trước. Nhưng hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp mà càng làm cho con dân nước Việt xích lại gần nhau chung một lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của cha ông, như lời vua Trần Nhân Tông dặn dò: “Ta phải gìn giữ cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy một tấc đất, một phần núi, một khúc sông của tiền nhân để lại”. Lời răn để lại cho hậu thế của bậc tiền nhân hôm nay đọc lại càng thấy sâu sắc. Đó cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực mang dã tâm bành trướng lãnh thổ. Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình. Đã nhiều lần Việt Nam làm mọi cách để chiến tranh không xảy ra, “cốt vẹn đất yên dân”, nhưng nếu buộc phải đứng lên thì cũng sẵn sàng cùng muôn dân đập tan mọi cuộc xâm lược, quyết tâm bảo vệ sơn hà xã tắc.

Tạm biệt Kinh Bắc, vùng đất văn hiến ngàn năm, xuôi về hướng đông, chúng tôi xúc động đặt chân lên mảnh đất thiêng nơi địa đầu Tổ quốc.

 

 Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ

 

 KIẾN GIANG - KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=633
Quay lên trên