Kỳ 14: Thành phố biển xanh
> Bài 1: Nam quốc sơn hà
> Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”
> Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ
> Bài 4: Nước non vững bền
> Bài 5: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa
> Bài 6: Đưa những con tàu ra khơi
> Bài 7: Bạch Đằng Giang - Hào khí muôn đời
> Bài 8: “Chủ quyền lãnh thổ là bất biến”
> Bài 9: “Hãy tin tưởng ở chúng tôi”
> Bài 10: Vững vàng hậu phương
> Bài 11: Con rồng ngẩng đầu bên bờ biển
> Bài 12: Săn Sá Sùng trên biển Quan Lạn
> Bài 13: “Có chết cũng phải giữ biển…”
“Thành phố hoa phượng đỏ” hay “Thành phố cảng” là những biệt danh mà nhiều người thường dùng khi nhắc đến Hải Phòng, nhưng chúng tôi thì gọi đây là thành phố biển xanh. Cái biệt danh mới mẻ ấy không chỉ là màu xanh trong của biển cả, mà còn là những khái niệm rất mới về định hướng phát triển kinh tế của Hải Phòng…
Cảng và hệ thống dịch vụ cảng biển là thế mạnh kinh tế lớn để Hải Phòng phát triển một thành phố xanh trong tương lai gần
Mặn mòi vị biển
Chuyến phà chầm chậm nối liền hai bến Phà Rừng đưa chúng tôi từ bến Bạch Đằng Giang (Quảng Ninh) hào hùng đặt chân lên đất cảng Hải Phòng. Con nước xanh trong, mặn mòi hương vị biển, xa xa hàng trăm cần cẩu tải trọng lớn vươn mình bên bờ biển sóng vỗ miên man. Thành phố cảng Hải Phòng có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng Đông Bắc bộ và cả nước, là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Với hệ thống cảng biển đa dạng, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Hải Phòng tăng khoảng 600% trong vòng 10 năm qua. Chỉ tính riêng trong năm 2013, khối cảng biển Hải Phòng đón 16.841 lượt tàu thuyền, tăng 13% so với năm 2012, mang theo 55,4 triệu tấn hàng hóa. Từng có thống kê rất chi tiết từ phía Phòng CSGT TP.Hải Phòng, nếu tất cả xe container hoạt động mỗi ngày tại thành phố biển này dừng nối đuôi nhau, tổng chiều dài sẽ bằng con đường đi từ Hải Phòng vào tận… Quảng Bình.
Nhiều dự án xanh, sạch đã đầu tư vào Hải Phòng để cùng thành phố này phát triển kinh tế xanh. Trong ảnh: Một góc KCN VSIP Hải Phòng Ảnh: K.VINH
Nhưng biển không chỉ mang lại cho Hải Phòng hệ thống cảng lớn nhất nhì cả nước mà còn là ngư nghiệp, du lịch. Hàng năm, ngành công nghiệp đóng tàu Hải Phòng mang lại cho thành phố hàng ngàn tỷ đồng đóng góp vào ngân sách. Đánh bắt hải sản gần bờ, xa bờ và nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh của thành phố. Những ngày ở Hải Phòng để thực hiện loạt bài viết, chúng tôi bắt gặp và ghi nhận tinh thần quyết liệt vươn khơi, bám biển của ngư dân Hải Phòng. Họ, những con người sinh ra từ biển, lớn lên trên biển mặn bao la, luôn quyết tâm gìn giữ tổ nghiệp của cha ông và toàn vẹn lãnh thổ của toàn dân tộc.
Không chỉ giàu đẹp từ cảng, từ ngư nghiệp, Hải Phòng còn khéo léo trong việc phát triển du lịch biển. Với nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh, cộng với bãi biển Đồ Sơn, Cát Bà nổi tiếng, du lịch biển Hải Phòng đang ngày càng phát triển, thu hút sự chú ý lớn của du khách gần xa. Hải Phòng vì thế đang phát triển mạnh mẽ kinh tế địa phương bằng việc tích cực phát huy tiềm năng kinh tế biển của mình.
Từ “nâu” sang “xanh”
Hải Phòng đang là một trong số ít địa phương trên cả nước đi đầu trong quá trình chuyển đổi từ nền “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” để triển khai Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về việc xây dựng Hải Phòng trở thành “Thành phố cảng xanh”. Là một thành phố ven biển, việc ưu tiên xây dựng kinh tế biển xanh hướng tới phát triển, bảo vệ biển, đảo và vùng ven biển là một nhu cầu và đòi hỏi thực tế khách quan. Chính vì thế, Hải Phòng đang nỗ lực chuyển mình để trở thành một thành phố xanh đúng nghĩa. Kinh tế xanh đang tạo cơ hội để Hải Phòng tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có kinh tế biển, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển bền vững thành phố.
Một trong những bước đi đầu tiên của việc phát triển kinh tế xanh trong tương lai gần của Hải Phòng chính là việc quy hoạch chi tiết cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng từ năm 2004. Dự kiến, cảng này khi được xây dựng, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT hoạt động trên tuyến biển xa, đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chỉ rõ: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là quốc tế loại IA, với khu bến thương mại cho tàu biển trọng tải lớn tại Lạch Huyện tiếp nhận chủ yếu tàu chở container loại 4.000 - 6.000 TEU, tàu chở hàng tổng hợp 5 - 8 vạn DWT. Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc bộ (nhóm 1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại khu bến Lạch Huyện để có thể tiếp nhận cỡ tàu tới 100.000 DWT (tàu container 8.000 TEU) tạo sức hấp dẫn với thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn nhận được sự hợp tác của VSIP Hải Phòng, một trong những đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng hôm nay. Về với VSIP Hải Phòng, nằm ngay vị trí sát với cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, chúng tôi không thể không bồi hồi xúc động trước khí thế thi công khẩn trương của công trường nơi đây. Điều đáng mừng là sát vị trí hiện nay của VSIP Hải Phòng, trong tương lai sẽ mọc lên một trung tâm hành chính tập trung mới, là kết quả bước đầu học tập kinh nghiệm hay từ Bình Dương.
Khi đưa vào sử dụng, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ là trung tâm cùng với hệ thống cảng biển Hải Phòng và cảng sông trong nội địa. Đồng thời, cảng đóng vai trò như một trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế kết hợp hệ thống giao thông vận tải đồng bộ bao gồm hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và hệ thống vận tải xuyên quốc gia, đặc biệt là các dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện và dự án đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội đang gấp rút triển khai. Điều đó sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của TP.Hải Phòng, của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng như toàn bộ các tỉnh phía Bắc…
Có về và cảm nhận nhịp phát triển hối hả của con người và vùng đất nơi đây mới hiểu hết được niềm tự hào biển đảo quê hương, đất nước. Ở đó, sự thành công của việc tạo dựng và phát triển thành phố biển xanh giàu mạnh chính là bước hội nhập sâu của kinh tế biển Việt Nam với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Kỳ 15: Quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG