Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay vừa phát lệnh truy nã nhà lãnh đạo Libya - Đại tá Gadhafi, cùng con trai và lãnh đạo cơ quan tình báo nước này về cáo trạng “tội ác chiến tranh”.
Trong phiên tòa công khai hôm qua tại La Hay, Thẩm phán Sanji Mmasenono Monageng tuyên bố “có những lý do chính đáng để tin rằng ông Gadhafi cùng một số người thân cận đã dàn dựng và điều khiển kế hoạch đàn áp phe nổi dậy”.
Ba nhân vật trong tầm ngắm của Tòa Án hình sự gồm đại tá Gadhafi, 69 tuổi, người đã liên tục cầm quyền tại Libya trong hơn 40 năm qua; con trai thứ nhì của ông là Seif Al-Islam, 39 tuổi, được coi là nhân vật có nhiều thế lực và có triển vọng lên kế vị cha.
Nhà lãnh đạo Libya - Đại tá Gadhafi
Cuối cùng là một nhân vật trong dòng họ Gadhafi là lãnh đạo cơ quan tình báo Libya, Abdallah Al-Senoussi. Ông này được coi là cánh tay phải của Gadhafi và là một trong những nhân vật chủ chốt đã ra lệnh cho lực lượng an ninh thẳng tay đàn áp người biểu tình.
Al-Senoussi đã bị cách chức vào cuối tháng 2, hai tuần sau khi cuộc nổi dậy bùng phát nhưng Abdallah Al-Senoussi bị coi là thủ phạm vụ thảm sát tại nhà tù Abou Salim ở Tripoli năm 1996, làm hơn 1000 người chết và có dính líu đến vụ khủng bố nhắm vào chiếc máy bay của hãng hàng không UTA hồi năm 1989.
Libya đã bác bỏ lệnh truy nã này, cho rằng Tòa án Hình sự Quốc tế không có thẩm quyền.
Tòa án hình sự La Hay phát lệnh truy bắt lãnh đạo Gadhafi đúng 100 ngày sau khi NATO mở chiến dịch quân sự tại Libya.
100 ngày qua là 100 ngày Libya gánh chịu bom đạn và thương vong. NATO đã thu được một số thành công, những thành công này là không đáng kể trong khi khối này đang phải chịu sức ép dư luận với hàng loạt vụ “giết nhầm” dân thường.
Theo thẩm định của LHQ, đã có khoảng 65.000 người Libya vượt biên ra nước ngoài tỵ nạn, hơn 240.000 thường dân phải di dời chỗ ở.
Phó Tổng Thư ký LHQ Lynn Pascoe, phụ trách Chính trị, hôm qua nói trước Hội đồng Bảo an rằng quân nổi dậy tại Libya “đang chiếm thêm ưu thế” trong cuộc giao tranh chống các lực lượng trung thành với ông Gadhafi.
Giới chức LHQ này cho biết theo hai nghị quyết về Libya được Hội đồng Bảo an chấp thuận, điều hiển nhiên là LHQ có nghĩa vụ bảo vệ nhân dân Libya và ông nói thêm, đó là mục tiêu của những nỗ lực quốc tế hiện nay.
Theo ông Pascoe, trong lúc một hiệp định về một giải pháp chính trị cho Libya vẫn còn rất xa vời, những bước khởi đầu cho tiến trình thương thuyết chắc chắn đang diễn ra.
Tổng hợp