Tối qua 26-2, Tòa án tối cao Thái Lan đã quyết định tịch thu 46 tỉ baht, tương đương 1,4 tỉ USD, trong tổng số 2,29 tỉ USD của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, hiện đang bị đóng băng trong các ngân hàng ở Thái Lan.
Những người yêu mến ông Thaksin giương cao các biểu ngữ ủng hộ ông trước cổng trụ sở Tòa án tối cao
Sau 8 giờ đọc cáo trạng (từ 13g30-21g30 giờ Bangkok), tòa khẳng định “sẽ là bất công nếu tịch thu toàn bộ tài sản của ông Thaksin, bởi một phần trong số đó được làm ra từ trước khi ông ta lên chức thủ tướng”.
Trước đó, Tòa án tối cao Thái Lan đã ra phán quyết khẳng định cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đã che giấu bất hợp pháp tài sản khi đang nắm quyền và lạm dụng chức quyền để tư lợi.
Cả chín thẩm phán đều đồng ý rằng ông Thaksin và vợ cũ vẫn giữ cổ phiếu của Tập đoàn viễn thông Shin Corp khi ông giữ chức vụ thủ tướng. Tòa án cũng khẳng định ông Thaksin đã áp dụng các chính sách có lợi cho tập đoàn dịch vụ điện thoại di động lớn nhất Thái Lan do gia đình ông kiểm soát.
Phản ứng lại, trong cuộc gọi điện thoại video về trụ sở Đảng Pue Thai, ông Thaksin tuyên bố ông đã đoán trước được bản án này. “Đây là đòn trừng phạt chính trị của chính quyền hiện tại mượn tay Tòa án tối cao để thực hiện” - ông Thaksin khẳng định.
Ngày phán quyết yên bình
Từ sáng qua đã có khoảng 450 cảnh sát được trang bị lá chắn và gậy đến bảo vệ trụ sở Tòa án tối cao trên đại lộ Ratchadamnoen. Trước đó, chính quyền Thủ tướng Abhisit Vejjajiva liên tục cảnh báo nguy cơ các thành viên lực lượng áo đỏ Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) gây bạo lực, khiến không ít người dân Bangkok hoang mang. Một số tài xế taxi và xe tuk tuk khi được yêu cầu đưa khách đến quảng trường Sanam Luang đều lắc đầu từ chối. Một tài xế xe tuk tuk ở khu phố Tây Khao San, ngay gần Sanam Luang, tuyên bố: “Tôi sợ chết lắm, không cần tiền đâu”.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, chỉ có khoảng 100 thành viên lực lượng áo đỏ UDD tụ tập trước cửa tòa án và tại quảng trường Sanam Luang đối diện. Người biểu tình mang theo các biểu ngữ ghi: “Dù thế nào chúng tôi vẫn tin vào ông, thủ tướng Thaksin”, “Tòa án hãy đưa ra một bản án công bằng”. Tuy nhiên, không hề có bạo lực xảy ra như dự báo.
Số lượng thành viên áo đỏ tập trung trước cửa Tòa án tối cao đông nhất vào thời điểm 13g30, khi các thẩm phán bắt đầu đọc bản án. Tuy nhiên, do trời nắng như đổ lửa và thời gian đọc bản phán quyết kéo dài, người biểu tình tản mát dần và đến khoảng 17g ra về gần hết. “Ngày phán quyết” - từ do báo chí Thái Lan đặt - đã diễn ra trong yên bình.
Sẽ tiếp tục rối ren
Rất nhiều người Bangkok tỏ ra bi quan với viễn cảnh chính trị nước nhà sau “ngày phán quyết” hôm qua. “Chính trị Thái Lan sẽ tiếp tục xáo động, tôi không thấy một cơ hội ổn định nào” - anh Ardee Chamnana, 30 tuổi, nhân viên văn phòng, dự báo. Đó cũng là cảm giác chung của nhiều người như theo một khảo sát của báo Bangkok Post mới đây.
Một cố vấn chính trị người Đức đề nghị không nêu tên, đã sinh sống ở Thái Lan hai năm, nhận định vấn đề đối với Thái Lan không chỉ đơn thuần là Thaksin. “Vấn đề nằm ở chỗ xã hội Thái Lan bị chia rẽ quá sâu sắc. Hiện người Thái Lan chia làm hai phe, một phe ủng hộ Thaksin, còn một phe chống Thaksin. Phe ủng hộ Thaksin muốn Thaksin trở lại nắm quyền, còn phe chống Thaksin cho rằng Thaksin và tất cả những gì thuộc về ông ấy, kể cả những người ủng hộ, đều là sai trái”.
Bà nhận định nhiều khả năng tình hình Thái Lan sẽ tiếp tục bất ổn, rối ren trong năm 2010 và năm 2011. Đồng ý với nhận định này, cây bút chính trị - xã hội báo Bangkok Post Anucha Charoenpo cho biết đến giờ ông Abhisit vẫn tồn tại ở chiếc ghế thủ tướng, bởi ông là “Ngài trong sạch”. Tuy nhiên, các quan chức xung quanh ông, thuộc cả Đảng Dân chủ và các đảng liên minh, đều đang phải đối mặt với các cáo trạng tham nhũng. Hơn nữa, nội bộ liên minh cầm quyền cũng đang có nhiều xung đột, bất đồng.
“Chúng tôi không bảo vệ tài sản ông Thaksin!”
Đó là khẳng định của ông Kokaew Pikulthong, một trong những lãnh đạo của UDD, trong cuộc trả lời phỏng vấn.
* Phản ứng của UDD đối với bản án?
- Các bằng chứng và lập luận của tòa án không vững vàng, thiếu sự rõ ràng. Ở đây có thể thấy rõ tính “tiêu chuẩn kép” mà chính quyền Abhisit đang áp dụng. Ông Thaksin bị cáo buộc gắt gao, trong khi những kẻ tham nhũng trong chính quyền và những kẻ phạm pháp như áo vàng PAD thì được tự do. Sự bất công của bản án này sẽ càng thúc đẩy nhiều người dân Thái Lan xuống đường biểu tình chống chính phủ.
* Tại sao UDD lại biểu tình ngày 14-3 mà không phải là ngày 26-2?
- Mục đích của UDD là phục hồi nền dân chủ và sự công bằng ở Thái Lan và chúng tôi không phải là những người bảo vệ tài sản cá nhân của ông Thaksin. Tòa án ra phán quyết bất lợi hay có lợi cho ông Thaksin thì tôi cũng sẽ biểu tình để buộc chính phủ phải giải tán hạ viện, tổ chức bầu cử sớm.
Nếu có cả 1 triệu người biểu tình chống chính quyền mà chính quyền đó vẫn phớt lờ thì rõ ràng đó không phải là một quốc gia có nền dân chủ thật sự.
* Chính quyền và áo vàng PAD cáo buộc UDD chỉ là những kẻ mù quáng chạy theo Thaksin. Ông giải thích thế nào trước cáo buộc này?
- Chúng tôi không phải là những con rối của ông Thaksin như người ta nói. Một chính phủ không phải do dân bầu mà do các thế lực đứng đằng sau dựng lên thì chỉ phục vụ lợi ích của các thế lực đó, chứ không phục vụ lợi ích của nhân dân, đất nước. Mục tiêu của UDD là đưa Thái Lan trở lại thời kỳ dân chủ trước đây.