'Tôi muốn về khi còn sức lực'

Cập nhật: 19-10-2010 | 00:00:00

Nhiều người Việt ở Mỹ muốn về quê hương an cư khi tuổi đã già, nhưng tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên nghĩ khác. Ông muốn trở về làm việc khi còn sức lực.

 

Bỏ qua lời phản đối của gia đình cùng những khó khăn khi hòa nhập môi trường làm việc mới, tiến sĩ Uyên quyết định rời Mỹ về Việt Nam dạy học tại trường Đại học Quốc tế TP HCM 2 năm nay.

 

Theo gia đình sang Mỹ từ năm 13 tuổi, học ở Mỹ rồi đi làm, Uyên từng làm việc cho cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Năm 2008, ông khiến bạn bè kinh ngạc khi quyết định về Việt Nam dạy học.

 

 Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên giới thiệu các con chip tiết kiệm năng lượng. 

Thực ra ý định trở về nung nấu từ năm 2006, khi ông tham gia chương trình Vietnam Educational Foundation (VEF) liên kết giữa Việt Nam và Mỹ, giảng dạy cho các sinh viên Việt trong thời gian 2 tuần một năm.

 

Tại một buổi tọa đàm với sinh viên, ông khuyên các bạn trẻ cố gắng lấy học bổng ra nước ngoài nghiên cứu khoa học rồi trở về nước giảng dạy và hỗ trợ cho thế hệ sau cải thiện nền kỹ thuật nước nhà. Khi ấy, thầy giáo bị học trò hỏi ngược: "Vậy tại sao thầy không về Việt Nam dạy học?". Từ đó, vị tiến sĩ quyết tâm trở về giảng dạy ngành điện tử viễn thông cho người Việt Nam. Sự thôi thúc này cứ lớn dần, thế nhưng khi ông đem tâm sự chia sẻ với vợ con thì vấp phải sự phản đối quyết liệt.

 

Ông Uyên chia sẻ với VnExpress.net: "Cách đây 4 năm, tôi bàn với vợ trở về Việt Nam đã bị bà xã làm mặt lạnh. Con gái tôi lúc đó cũng không chịu đi. Thế nhưng tôi ra sức thuyết phục và âm thầm chuẩn bị hồ sơ, cuối cùng mọi người cũng đồng ý".

 

Giảng dạy Khoa Điện tử viễn thông tại trường Đại học Quốc tế TP.HCM, dù thu nhập thuộc hàng cao so với ngạch lương của trường nhưng ông vẫn gặp nhiều khó khăn. Chưa mua nổi nhà tại Việt Nam, ông xoay sở ở nhờ nhà một người họ hàng tại quận 4. Muốn hòa đồng với mọi người, hàng ngày, ông Uyên đón xe buýt từ quận 4 đến Thủ Đức để lên lớp.

 

Vợ ông, vốn có công việc bán hàng ổn định tại Mỹ, cũng gác lại để theo chồng. Cô con gái đang học trung học cơ sở tại Mỹ cũng theo bố mẹ về Việt Nam.

 

Những khó khăn trong giai đoạn thích nghi với cuộc sống mới không làm giảm đi lòng nhiệt thành của ông giáo yêu khoa học. Sắp xếp việc nhà đâu vào đó, ông Uyên bắt tay vào thực hiện hoài bão của mình.

 

"Đầu tiên, tôi giúp sinh viên Việt Nam bỏ đi suy nghĩ không có tiền thì không thể nghiên cứu khoa học. Kế đến tôi kêu gọi mọi người bắt tay vào các dự án nghiên cứu nhỏ. Tôi dạy các em cách tự lấy học bổng, giới thiệu sinh viên Việt Nam với những giáo sư nước ngoài để các em thực hiện các đồ án nghiên cứu khi đi du học", ông Uyên kể.

 

Trong 2 năm qua, ông đã giúp được 20 sinh viên lấy học bổng du học, bắt đầu từ việc tích lũy điểm ngoại ngữ đến việc thi lấy học bổng, chọn những trường đại học vừa sức, giới thiệu sinh viên Việt Nam với những đồng nghiệp, giáo sư ở nước ngoài để làm nghiên cứu sinh, học hỏi kinh nghiệm.

 

Trong nước, cùng với các đồng nghiệp và cộng sự, nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện 2 đề tài viễn thông giá rẻ, một dùng quan sát và thông báo kẹt xe; một dùng giám sát môi trường nước. Hiện ông cùng các sinh viên nghiên cứu về ảnh hưởng của thiết bị viễn thông tới cơ thể người.

 

Ngoài việc ở trường, ông Uyên còn hỗ trợ nhóm kiều bào xây cầu chế tạo những loại đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng cho bà con vùng sâu đi trong đêm. Những chiếc đèn có dòng điện từ thích hợp để trồng cây thanh long cũng được ông mày mò lắp ráp.

 

Giai đoạn đầu tiên làm việc ở quê nhà, ông Uyên mong có thể đưa nông dân đến gần hơn với khoa học kỹ thuật, nghiên cứu công nghệ hiện đại của nước ngoài để chế tạo thiết bị rẻ tiền phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

 

"Phải đi từng bước chậm mà chắc để nắm bắt công nghệ thấp nhất rồi mới lấy đà leo lên những nấc thang cao hơn. Khoa học kỹ thuật cần những tiền đề cơ bản, đừng đón đầu công nghệ mà không hiểu rõ đó là gì. Tôi luôn nhắc sở sinh viên của mình nhớ kỹ điều này", ông Uyên nói.

 

Đại diện cơ quan phụ trách Việt kiều đánh giá cao việc các trí thức trẻ người Việt về nước giảng dạy cho sinh viên, và bày tỏ hy vọng số người về cống hiến nhiều hơn nữa. "Kiều bào về nước dạy học ở lứa tuổi 43-45 như Nguyễn Đình Uyên thì không nhiều. Đây là một trong những tiến sĩ trẻ tuổi nhất về hẳn Việt Nam tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực ngành khoa học kỹ thuật", bà Nguyễn Thị Việt Thùy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM, cho biết.

 

Riêng với tiến sĩ Uyên, ông không giấu niềm hạnh phúc khi nói về sự thay đổi của cô con gái út. Trước bố con nói chuyện toàn bằng tiếng Anh. Từ khi về nước, cháu đã học tiếng Việt đủ để nói chuyện với bố mẹ, biết gọi đúng cô, bác, chú, dì.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên