Thủ tướng A. Tsipras đặt hoa tại Đài tưởng niệm 200 liệt sĩ Cộng sản Hy Lạp, bị phát xít Đức xử bắn vào năm 1944 ở Athens.
Thủ lĩnh đảng cánh tả Syriza, ông Alexis Tsipras, trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong 150 năm qua tại đất nước của những vị thần. Đi ngược lại với truyền thống, buổi tuyên thệ của ông Tsipras không có một quyển kinh Thánh nào, không có cành nguyệt quế và nước, cũng như không nhận lời chúc phúc từ các tổng giám mục. Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Hy Lạp từng đùa rằng: “Tôi sẽ không đeo càvạt chỉ để gặp Giáo hoàng… Chắc tôi sẽ đeo nếu chúng ta có thể giảm được nợ”.
Từ kỹ sư xây dựng tới Chủ tịch Syriza
Ông Tsipras sinh ngày 28-7-1974 tại Athens, 3 ngày sau khi chế độ quân sự ở Hy Lạp sụp đổ. Cha ông sinh ra ở Epirus và mẹ ông ở Eleftheroupoli. Trong bối cảnh đất nước Hy Lạp đang ngày càng tàn lụi do chế độ thân hữu, tham nhũng và thiếu nhân tài, cậu bé Alexis Tsipras đã lớn lên với ước mơ là một kỹ sư trong tương lai.
Vào cuối những năm 80, Tsipras gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hy Lạp và đầu những năm 90, khi là sinh viên Trường Ampelokipoi (Ampelokipoi Multi-disciplinary High School), ông bắt đầu hoạt động chính trị qua việc tham gia nhiều hoạt động trong phong trào sinh viên nổi dậy chống lại một dự luật gây bất bình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vasilis Kontogiannopoulos.
Tsipras mau chóng nổi lên thành thủ lĩnh nổi bật nhất trong phong trào sinh viên học sinh Hy Lạp thập niên 90 thế kỷ XX, trở thành người đại diện bênh vực cho quyền lợi của giới sinh viên học sinh. Năm 2000, Tsipras tốt nghiệp ngành kỹ thuật dân dụng tại Đại học Quốc gia Athens, sau đó học lên cao học tại Trường kiến trúc NTUA.
Hoàn tất cao học, Tsipras làm kỹ sư trong ngành xây dựng, ông còn viết một số các nghiên cứu và dự án về đề tài của thành phố Athens.
Thời sinh viên, Tsipras từng được bầu vào Ban chấp hành Liên đoàn Sinh viên Trường Kỹ thuật Công chánh Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens và từ năm 1995 - 1997, ông được bầu làm thành viên Hội đồng Trung ương Liên đoàn Sinh viên Quốc gia Hy Lạp (EFEE).
Đầu thế kỷ XXI, Tsipras gia nhập Đảng Cộng sản Hy Lạp, thành viên Liên minh cánh tả Synaspismos, tham gia lãnh đạo cánh thanh niên của Synaspismos (Neolaia Syn of Synasphismos - NSS).
Ông là thư ký chính trị đầu tiên của NSS từ tháng 5-1999 tới tháng 11-2003. Với cương vị lãnh đạo thanh niên, tiếng nói của Tsipras ngày càng có trọng lượng trong liên minh và ảnh hưởng của ông đối với các chính sách của Synaspismos cũng ngày càng tăng.
Tsipras đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành Diễn đàn Xã hội Hy Lạp và tham gia mọi cuộc tuần hành để phản đối xu hướng toàn cầu hóa được giới tư bản tân bảo thủ lợi dụng để bóc lột dân nghèo khắp thế giới.
Tháng 12-2004, tại Đại hội lần thứ IV của đảng Synaspismos, Tsipras được bầu vào Ủy ban Chính trị Trung ương và là thành viên Ban Bí thư Chính trị phụ trách giáo dục và thanh thiếu niên.
Tsipras lần đầu tiên bước vào sân khấu chính trị Hy Lạp trong cuộc bầu cử địa phương năm 2006 khi ông ứng cử vào Hội đồng Thị chính Athens trên danh nghĩa đại diện cho Liên minh Syriza và giành được 10,51% phiếu.
Mặc dù đủ khả năng ứng cử vào Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2007, nhưng Tsipras chọn ở lại phục vụ trong Hội đồng Thị chính Athens.
Trong kỳ Đại hội lần thứ V của đảng Synaspismos ngày 10-2-2008, ông được bầu làm Chủ tịch đảng này khi mới 33 tuổi, trở thành lãnh đạo trẻ nhất của một đảng chính trị có đại biểu trong Quốc hội Hy Lạp.
Năm 2009, Tsipras được bầu vào Quốc hội Hy Lạp với tỉ lệ phiếu bầu tuyệt đối, sau đó được nhất trí bầu làm người đứng đầu nhóm nghị viện Syriza - liên minh các chính khách cánh tả trong Quốc hội. Tsipras đã lãnh đạo Syriza trong cuộc bầu cử năm 2012 và trở thành người lãnh đạo của phe đối lập.
Tháng 12-2013, ông là ứng cử viên đầu tiên được đề xuất vào vị trí Chủ tịch của Ủy ban Liên minh châu Âu (EU).
Nhiều kỳ vọng đối với tân Thủ tướng trẻ tuổi
Với chủ trương rõ ràng phản đối chính sách kinh tế hà khắc kéo dài suốt 5 năm qua tại Hy Lạp, ông Tsipras tuyên bố rằng, trong vài ngày nữa "các kế hoạch khắc khổ sẽ thuộc về quá khứ, một tương lai tốt đẹp có thể bắt đầu từ đây".
Đảng Syriza cũng cam kết sẽ ngừng cắt giảm lương và chi tiêu công, đồng thời yêu cầu đàm phán lại với các nhà cứu trợ quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về những điều kiện của gói cứu trợ tài chính trị giá hàng trăm tỉ euro.
Khi công bố thành phần nội các, tân Thủ tướng A. Tsipras đã áp dụng tiêu chí tinh giản biên chế triệt để "ngay từ cấp cao nhất trở xuống", đúng như lời hứa ghi trong cương lĩnh tranh cử. Cụ thể đã rút gọn bộ máy chính phủ từ 22 bộ "rườm rà chồng chéo chức năng", như nguyên văn lời vị thủ lĩnh Syriza xuống còn 10 bộ.
Tiêu biểu trong số này là tân Bộ trưởng Tài chính Yannis Varoufakis 53 tuổi, hiện đang là giáo sư kinh tế tại Trường đại học Texas (Mỹ). Trong thành phần các bộ mới sẽ tổ chức thi tuyển công khai mọi vị trí, chọn những người thực sự có đức có tài trong hàng ngũ công chức "làm chơi ăn thật" hiện thời.
Tại phiên họp đầu tiên của nội các mới, liên minh với đảng Hy Lạp Độc lập (ANEL) do ông Panos Kammenos làm thủ lĩnh, Thủ tướng A. Tsipras đã tuyên bố những ưu tiên hàng đầu của tân chính phủ là cuộc chiến chống lại sự "thắt lưng buộc bụng" kìm hãm đà phát triển kinh tế, thực chất đó là một cuộc "khủng hoảng nhân đạo"; bãi bỏ chính sách tư nhân hóa các ngành kinh tế mũi nhọn của chính phủ tiền nhiệm.
Tân Thủ tướng A. Tsipras đã kết hôn với Peristera Batziana, một bạn học cũ và là thành viên tích cực của KNE. Họ đã có 2 người con trai, trong đó cậu con trai út có tên là Ernesto, cũng là tên riêng của nhà cách mạng quốc tế vô sản huyền thoại Che Guevara (1928-1967).
Thủ tướng A. Tsipras còn là một fan hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, hầu như không bỏ bất cứ trận đấu nào có Đội Panathinaikos F.C của thành phố Athens.
Theo CAND