Tôi ở bên đây bờ sông Sài Gòn, thuộc địa phận của huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh. Bạn ở bên kia bờ sông Sài Gòn, hướng về chợ Thủ Dầu Một, thuộc TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Làm sao tôi quên được những chuyến đò qua lại ở đôi bờ ngày ấy đã để lại trong ký ức của chúng tôi một thời tuổi trẻ mến thương biết bao!
Trường Đại học Thủ Dầu Một nổi bật với gam màu xanh dương
Ngày ấy, hàng tuần tôi và các bạn ở Củ Chi đi đò qua sông, cập bến ở chợ Thủ Dầu Một. Từ chợ Thủ Dầu Một, chúng tôi có thể đi bằng nhiều phương tiện để đến trường, có lúc đi xe lôi, có khi đi xe lam, xe ngựa hay tự đi xe đạp. Thời điểm đó, trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé đặt ở xã Phú Mỹ, TX.Thủ Dầu Một. Vào học năm đầu, cơ sở vật chất của trường thiếu thốn khá nhiều nên trường chưa tổ chức cho sinh viên ở nội trú. Trường phải gửi chúng tôi vào ở tạm nhà dân. Bà con ở đây đa số sống bằng nghề nông. Họ hiền lành, chất phác và rất vui vẻ, nhiệt tình đón tiếp chúng tôi. Chúng tôi cũng là con em của nhà nông nên cũng mau thích nghi.
Tôi may mắn được về ở nhà bà Ba Huyền. Tôi còn nhớ, tối nào tôi cũng được ngủ chung với bà trên bộ ván gõ. Có đêm, mưa rơi lộp độp trên mái nhà, gió lao xao hàng cây sau vườn, mang hơi lạnh len vào các khe cửa. Tôi rúc người vào cái mền của bà, hai bà cháu thì thầm nói chuyện tới khuya. Trời gần sáng, những âm thanh quen thuộc: Tiếng gà gáy vang vang khắp xóm, tiếng xe ngựa lốc cốc chở hàng ra chợ Thủ, tiếng lọc cọc chẻ củi để nhóm lửa nấu cơm. Và nhất là tiếng nói ấm áp của bà, mãi còn lắng đọng trong tâm hồn của tôi.
Khóa sư phạm đầu tiên (1.1977-8.1978), các bạn ở TP.Hồ Chí Minh lên học khá đông. Chắc nhiều nhất là ở Hóc Môn và Củ Chi. Sau những tháng năm tham gia vào sự nghiệp “trồng người” tại Sông Bé - Bình Dương, tôi được chuyển về quê hương Củ Chi, dạy học ở một trường cấp 2. Giờ thì bạn nào tóc cũng ít nhiều đã ngả màu mây. Chúng tôi đã U70 hết rồi! Bến phà ở chợ Thủ Dầu Một là điểm hẹn của tôi và những người bạn học năm xưa đến từ Củ Chi mỗi khi có dịp về thăm bạn bè ở đất Thủ.
Gặp lại người bạn học rất thân ở Thủ Dầu Một, tôi vui quá! Bạn đưa tôi đến thăm nhà bạn. Sau đó, chúng tôi cùng dạo chơi ở trung tâm thành phố. TP.Thủ Dầu Một đã đổi mới nhiều và phát triển nhanh quá! Đây là thành phố trẻ, là đô thị loại I, là trung tâm của tỉnh Bình Dương. Di chuyển trên đường Trần Văn Ơn (phường Phú Hòa), chúng tôi đã mê say chiêm ngưỡng ngôi trường Đại học Thủ Dầu Một. Tôi ấn tượng nhất là gam màu xanh dương chủ đạo cho toàn bộ thiết kế. Logo của trường được lấy hình ảnh chủ đạo là cánh hoa dầu màu xanh đang tung bay. Cây dầu là loài cây đặc trưng gắn liền với lịch sử và văn hóa đất Thủ. Ngày nay, nó tượng trưng cho sức bật mạnh mẽ của vùng đất mới Bình Dương và khát vọng vươn lên vị trí dẫn đầu trong giáo dục đại học, trong nghiên cứu khoa học của ngôi trường đại học này.
Bạn mời tôi nghỉ chân tại quán cà phê gần trường Đại học Thủ Dầu Một. Khu vực này có nhiều quán cà phê mà khách hàng đa số là bạn trẻ, là sinh viên. Bạn nói, bạn muốn cho tôi sống lại thời sinh viên. Nhưng thời của chúng tôi quá khó khăn, vất vả. Thời các bạn sinh viên bây giờ chắc hẳn khá hơn, thuận lợi hơn chúng tôi rất nhiều. Mừng cho các em! Hãy cố gắng! Hãy tự tin! Hãy năng động, sáng tạo và công hiến các em nhé!
Bạn tôi có khiếu làm thơ và thích hát nhạc mang âm hưởng dân ca. Bạn khoe với tôi về người anh họ của bạn: Anh Võ Đông Điền, người con của quê hương đất Thủ, người nhạc sĩ tài hoa! Bạn tôi nói đùa, có bà con, họ hàng gì với anh nhạc sĩ ấy đâu. Bạn cũng quen biết anh và cùng họ với anh nên nói cho có tình cảm, cho vui vậy thôi. Còn anh thì hiền hòa, cởi mở, thân thiện nên được nhiều người quý mến. Bạn hát hay lắm! Tôi say mê lắng nghe bạn hát và tập hát theo bạn:
“Có bao giờ anh về Bình Dương
Dưới bóng quê hương vườn cây trái ngọt
Nghe hương quê đưa về thoang thoảng
Cây trái trong vườn thơm từng bước chân qua”.
(“Bình Dương một khúc tình quê”
- sáng tác Võ Đông Điền)
... Gió ngoài sông ùa vào mát rượi. Đàn cò trắng tung tăng trên đám hoa lục bình dập dềnh trôi theo dòng nước. Tôi lên phà để về lại Củ Chi. Phà rời bến, từ từ lướt trên sông nước mênh mông. Tôi vẫn còn dõi mắt nhìn theo bạn, ở phía bên kia bờ chợ Thủ Dầu Một. Tạm biệt người bạn học đất Thủ nghĩa tình, dễ mến, dễ thương!
VÕ THỊ NHẠN