Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (3-2): Thành công lớn từ một xí nghiệp nhỏ…
Được thành lập vào năm 1982 với tên gọi Xí nghiệp Sản xuất dép xốp xuất khẩu, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, xí nghiệp đã từng bước mở rộng, phát triển thành Tổng công ty sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Ghi nhận thành tích vượt bậc đó, Chủ tịch nước đã tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng công ty nhân kỷ niệm 32 năm thành lập.
Hợp tác để phát triển
Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động của tỉnh, Tổng Công ty Sản xuất- Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3-2, tên quốc tế Protrade) và Tập đoàn Ascendas cùng liên doanh đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao Ascendas Protrade với quy mô 500 ha, tại xã An Tây, TX.Bến Cát với tổng vốn đầu tư đến nay là 1.335 tỷ đồng. Ascendas là tập đoàn của Singapore có nhiều kinh nghiệm đã đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp ở các nước trên thế giới. Đến nay dự án đã hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn I với diện tích 150 ha và thu hút được các dự án từ Nhật, Đài Loan, châu Âu và Mỹ. Dự kiến đến hết quý II-2015 diện tích giai đoạn I sẽ được lấp kín. Ngoài ra Tổng Công ty 3-2 còn liên doanh với Tập đoàn YCH Singapore chuyên về kinh doanh kho vận thành lập công ty liên doanh YCH - Protrade. Giai đoạn I đã đưa vào khai thác 20.000m2 kho, chuẩn bị xây dựng tiếp 20.000m2 giai đoạn II.
Công ty Sân Golf Palm Sông Bé, thương hiệu thể thao nổi tiếng thế giới, thành viên của Tổng Công ty 3-2. Ảnh: D.CHÍ
Tổng công ty đã liên doanh với đối tác Hà Lan từ năm 1993 thành lập Công ty Foremost (Công ty Sữa Hà Lan năm 1994. Tổng vốn đầu tư đến nay trên 200 triệu USD. Công ty có 2 nhà máy sản xuất sữa tại Bình Dương được đưa vào hoạt động năm 1995 và nhà máy chế biến sữa tại Hà Nam hoạt động năm 2008. Tổng doanh thu từ năm 1996 đến năm 2013 đạt gần 6 tỷ USD, nộp ngân sách trên 600 triệu USD. Ngoài việc tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động với thu nhập cao (18 triệu đồng/người/tháng), công ty còn tham gia đóng góp về phúc lợi xã hội như xây dựng trường học, tặng học bổng, tặng thiết bị y tế cơ sở, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người dân tại nhiều địa phương. Đặc biệt là chương trình phát triển đàn bò sữa đã góp phần thay đổi đời sống của trên 4.000 hộ nông dân trong cả nước.
Nội lực vững mạnh
Công ty Sân Golf Palm Sông Bé đi vào hoạt động từ năm 1993 với sân golf 27 lỗ cùng với khu nhà ở cao cấp. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, thương hiệu được biết đến trong và ngoài nước, Tổng công ty đã mạnh dạn đầu tư sở hữu 100% vốn nhằm phát huy thế mạnh và vai trò quản lý. Hiện đơn vị có hơn 700 lao động với mức thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng. Tính đến đầu năm 2014, Công ty Sân Golf Palm Sông Bé đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 300 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp, Tổng công ty tiếp tục phát huy thế mạnh của các công ty thành viên. Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương quy mô gần 3.000 cán bộ- công nhân viên, sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tính từ năm 2009 đến 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 200 triệu USD, doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, đời sống công nhân được ổn định với mức thu nhập hiện nay trên 7 triệu đồng/tháng. Công ty Cổ phần Hưng Vượng chuyên sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Doanh số xuất khẩu hàng năm đạt trên 25 triệu USD/năm. Công ty có gần 1.000 lao động với thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng, đời sống công nhân khá ổn định. Vốn sở hữu hiện nay tăng 4,5 lần so với vốn điều lệ ban đầu, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm cao cho các cổ đông.
Ông Huỳnh Công Phát, Chánh Văn phòng Tổng công ty cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng tới đây của các công ty thành viên là phải nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, giữ vững thị trường truyền thống bằng nội lực và sức hấp dẫn của chính mình. Riêng với dự án Cao su Dầu Tiếng Việt Lào đã mang lại thành công không chỉ về mặt kinh tế mà còn thể hiện tình đoàn kết gắn bó lâu đời giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào ”.
Vai trò của lãnh đạo
“Những cán bộ chủ chốt của Tổng công ty, những anh chị em đã từng gắn bó, nay thành đạt ở nhiều lĩnh vực nhưng vẫn nhớ hoài những tháng năm ăn ở tập thể vô cùng ấm áp ở “Ba Tháng Hai”.
Sau 32 năm xây dựng và phát triển, từ một xí nghiệp sản xuất vươn lên thành Tổng công ty mạnh hàng đầu của tỉnh, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty bồi hồi nhớ lại: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Công đoàn và Đoàn Thanh niên công ty cũng sớm ra đời từ cuối năm 1982. Ngay trong giai đoạn lâm thời, Ban chấp hành đã nhanh chóng nắm bắt được tư tưởng “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm” của lãnh đạo nên vận động đoàn viên và người lao động sửa chữa đường sá, chẻ nứa đan phên làm nhà ở tập thể, lắp ráp máy móc, tổ chức sản xuất, học hỏi kỹ thuật luyện hóa cao su, kỹ thuật làm dép xốp, làm bao bì… Chỉ sau 1 năm đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”.
Nhiệm vụ chuyên môn ổn định, Công đoàn và Đoàn Thanh niên đã được chỉ đạo thực hiện ngay nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Năm 1984, gần 100% CB.CNV của xí nghiệp (khoảng 300 người) đã lần lượt được đi tham quan nghỉ mát tại những địa điểm du lịch nổi tiếng. Đây là ấn tượng sâu sắc nhất của những anh chị em dù còn ở lại làm việc hay đã nghỉ hưu hoặc làm việc nơi khác. Năm 1986 dù quỹ đất sản xuất chưa nhiều nhưng trên 1 ha đất đã được dùng để xây dựng nhà ăn tập thể, 60 căn hộ cho gia đình, nhà trẻ và 2 khu nhà ở tập thể cho công nhân độc thân. Tất cả nhằm mục đích ổn định đời sống người lao động theo chủ trương của Ban giám đốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên có nhiệm vụ duy trì, tổ chức ăn ở chu đáo. Những cán bộ chủ chốt của Tổng công ty, những anh chị em đã từng gắn bó, nay thành đạt ở nhiều lĩnh vực nhưng vẫn nhớ hoài những tháng năm ăn ở tập thể vô cùng ấm áp ở “Ba Tháng Hai”.
Đến nay Công đoàn và Đoàn Thanh niên qua bao thế hệ nối tiếp vẫn giữ vững truyền thống sát cánh với Ban lãnh đạo đơn vị, là cánh tay đắc lực cùng chăm lo cho thế hệ hiện tại và tương lai để có một niềm tin vững chắc vào Tổng công ty. Người lao động hiện nay thu nhập có tích lũy, nhà ăn khang trang rộng rãi, nhà ở kiên cố tiện nghi, nhà giữ trẻ chu đáo. Có siêu thị mini bán giá gốc vừa tiện lợi vừa tiết kiệm. Ngày lễ có thi đua văn hóa, văn nghệ, thể thao, học tập truyền thống, tham quan du lịch trong và nước ngoài. Ngày tết có tiền thưởng, có xe đưa đón về quê. Gia đình đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo có tập thể chung tay đóng góp cứu giúp. Công nhân nghèo vùng sâu, vùng xa có “Nhà tình thương” do đơn vị xây tặng… Tất cả đã tạo nên sự gắn bó keo sơn của người lao động đối với Tổng công ty, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động hầu như không có lằn ranh cách biệt.
DUY CHÍ