Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính

Cập nhật: 20-09-2022 | 13:32:54

(BDO) Sáng 20-9, tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Phó Chánh án TAND tỉnh cùng đại diện một số sở, ban, ngành và đại diện TAND hai cấp trong tỉnh.

Theo thống kê, tính từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2022, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 555 vụ, trong đó có 512 vụ hành chính sơ thẩm và 43 vụ hành chính phúc thẩm; đã giải quyết 471 vụ, đạt tỷ lệ 84,86%.


Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính

Án hành chính chủ yếu là các khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, chiếm hơn 70% các vụ án hành chính sơ thẩm, như: Việc đền bù, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, khiếu kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính về cấp và không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định quản lý đất công. Ngoài ra, án hành chính còn có các khiếu kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như hải quan, thuế, đầu tư, môi trường, giao thông, xây dựng… Đa số các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật được người phải thi hành án tổ chức thi hành nghiêm túc.


Đại biểu tham dự hội nghị phát biểu về những khó khăn, vướng mắc sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính. Thực tiễn cho thấy việc giải quyết các vụ án hành chính gặp khó khăn do một số quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, còn kẽ hở. Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó. Tất cả người đại diện hợp pháp cho người bị kiện thực hiện việc trình bày ý kiến, cung cấp chứng cứ theo quy định, tuy nhiên hầu hết người đại diện đều có yêu cầu vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ việc. Trong số 471 vụ án hành chính đã giải quyết, chỉ có 17 vụ người đại diện có mặt để tham gia giải quyết vụ án. Điều này gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, nhiều thủ tục tố tụng phải thực hiện nhiều lần, không thể tổ chức đối thoại với người khởi kiện. Bên cạnh đó, các quy định về đối thoại, mở phiên họp… cũng gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

TÂM TRANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1194
Quay lên trên