Tổng thống Philippines Benigno Aquino bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc ngày 30-8 với mục đích thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa lúc tranh cãi chủ quyền giữa hai nước vẫn căng thẳng.
Trong chuyến thăm kéo dài năm ngày, ông Aquino sẽ cùng đoàn doanh nhân đến thủ đô Bắc Kinh và các thành phố khác như Thượng Hải, Hạ Môn (thuộc Phúc Kiến). Ngày 31-8, ông Aquino dự kiến gặp các tập đoàn lớn về năng lượng và dầu khí của Trung Quốc như Energy World, China Petroleum... Tiếp đó, ông sẽ cùng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tham gia lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác.
Các thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy thương mại hai nước tăng gấp sáu lần trong năm năm tới. Tính đến năm 2010, giao thương hai nước trong một thập niên đã tăng gần gấp 5 lần, lên 27,7 tỉ USD. Theo AP, sự hợp tác sẽ không chỉ giúp Philippines phát triển kinh tế mà còn giúp Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị lên Manila.
“Đừng bắt cá hai tay”
Tuy nhiên trước chuyến thăm, như giới quan sát ghi nhận, Bắc Kinh và Manila đều có những động thái khác nhau.
Trên tàu sân bay Mỹ USS George Washington neo trên biển Đông ngày 13-8
Về chuyến thăm của Tổng thống Aquino, dư luận ở Trung Quốc là vừa hăm dọa vừa xoa dịu. Nhân Dân Nhật Báo ngày 20-8 cảnh báo Philippines không nên gây căng thẳng về vấn đề biển Đông mà cần kiềm chế để tránh gây ra “những hậu quả không thể lường trước được”. Báo này cũng nhấn mạnh ông Aquino cần thể hiện sự “chân thành” trong việc hợp tác với Bắc Kinh sau khi nhắc lại tuyên bố của ông về việc Manila tăng cường quốc phòng trên biển Đông.
Cùng lúc, báo chí Trung Quốc lại tỏ ra mềm mỏng khi không tiếc lời cho rằng Philippines “biết nhìn xa trông rộng” khi tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Trang mạng quân sự Xilu (Trung Quốc) bình luận Philippines chỉ là một “con cờ” trong ván cờ của Mỹ. Trong khi đó, con nợ Mỹ với nền kinh tế “bệnh hoạn” đang loay hoay với việc hòa hoãn với Trung Quốc thì còn sức lực đâu để viện trợ cho Philippines. Đồng thời gọi chiếc tàu cũ từ Thế chiến thứ hai Mỹ bán lại cho Philippines là “rác rưởi” và “trò cười cho các nước Đông Nam Á”.
Trong khi đó, Nhật Báo Quang Minh (Trung Quốc) miêu tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tuy “phức tạp nhưng rất mật thiết”. Mỹ sẽ không vì Philippines mà “trở mặt” với Trung Quốc. Philippines nên nắm thời cuộc nếu không muốn có những quyết sách sai lầm.
“Ngoại giao mẫu hạm”
Trước chuyến đi, truyền thông Philippines đã đưa tin về cuộc tập trận chung Balance Piston của Washington và Manila. Theo Philippines Star, cuộc tập trận diễn ra tại Trung Mindanao bắt đầu từ ngày 29-8 đến 13-9 nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký kết hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước.
Lực lượng Mỹ tham gia tập trận bao gồm toàn bộ hải đội tàu sân bay tiến công số 3 của hạm đội 7, tàu sân bay hạt nhân USS John Stennis với các tàu và máy bay hộ tống. Theo tướng Rey Ardo - người chỉ huy lực lượng Philippines trong cuộc tập trận, cuộc diễn tập nhằm nâng cao khả năng hoạt động về mọi mặt của quân đội nước này. Phía Mỹ sẽ do Oslen Brent của lực lượng đặc nhiệm số 19 chỉ huy.
Động thái quân sự này được xem là cao điểm của “ngoại giao mẫu hạm” của Mỹ ở biển Đông. Trong tháng 8, Mỹ đã cho tàu sân bay tỏa ra khu vực quanh biển Đông. Ngày 13-8, sau khi ghé cảng Thái Lan, tàu sân bay George Washington thuộc hạm đội 7 dừng lại ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Việt Nam, sau đó ngược trở về Nhật Bản. Ngày 12-8, tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 5.000 thủy thủ ghé qua Hong Kong trong bốn ngày.
Tờ Manila Bulletin của Philippines ngày 29-8 dẫn binh pháp Tôn Tử nói rằng một người không cần dụng binh vẫn có thể chiến thắng bằng cách tạo cho mình một thế vượt trội về tâm lý và chính trị.
Theo Tuổi Trẻ