Tổng thống Vladimir Putin: Nga luôn sẵn sàng đàm phán với Ukraine

Cập nhật: 08-11-2024 | 16:16:28

Ông Putin cho rằng Ukraine nên giữ thái độ trung lập để có cơ hội hòa bình, đồng thời biên giới của Ukraine phải phù hợp với nguyện vọng người dân sống trên lãnh thổ do Nga tuyên bố chủ quyền.


Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngày 7/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc gây áp lực đối với nước này là vô ích. Tuy nhiên, Nga luôn sẵn sàng đàm phán với sự cân nhắc đầy đủ về lợi ích hợp pháp của nhau.

Phát biểu tại Câu lạc bộ quốc tế Valdai, Tổng thống Putin cũng cho rằng Ukraine nên giữ thái độ trung lập để có cơ hội hòa bình, đồng thời nói thêm rằng biên giới của Ukraine phải phù hợp với nguyện vọng của người dân sống trên lãnh thổ do Nga tuyên bố chủ quyền.

Ông cũng nhận định: "Một trật tự thế giới hoàn toàn mới đang định hình trước mắt chúng ta, không giống như những gì chúng ta biết trong quá khứ... Người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về lợi ích, giá trị bản thân, bản sắc và quyền tự quyết của mình. Mục tiêu phát triển và công lý ngày càng được nhấn mạnh."

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga còn cho rằng thế giới đã bước tới giới hạn nguy hiểm; theo ông không ai đảm bảo rằng các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các mối đe dọa gia tăng không kiểm soát được và các chuẩn mực pháp lý, đạo đức bị xóa bỏ.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh không nhượng bộ để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine sau khi Moskva yêu cầu phương Tây tham gia đàm phán trực tiếp về vấn đề này.

Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại thủ đô Budapest của Hungary, Tổng thống Zelenskiy cho rằng sẽ không thể đàm phán về việc đưa ra lệnh ngừng bắn mà không nhất trí trước về các đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, các nguồn tin từ Ủy ban Ngân sách Quốc hội Đức cho biết nước này sẽ vẫn có thể cung cấp phần lớn trong số 4 tỷ euro (4,3 tỷ USD) đã cam kết hỗ trợ Ukraine ngay cả khi ngân sách năm 2025 không được phê duyệt đúng hạn trong bối cảnh liên minh cầm quyền Đức sụp đổ.

Một số nguồn tin cho biết các khoản tiền này chủ yếu là các khoản phân bổ đã cam kết và do đó có thể được giải ngân theo cơ chế quản lý ngân sách tạm thời nếu ngân sách không được thông qua.

Theo dự thảo ngân sách năm 2025, Đức cắt giảm số tiền viện trợ cho Ukraine từ 8 tỷ euro xuống còn 4 tỷ euro trong năm nay.

Đức hy vọng Ukraine sẽ có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu quân sự của nước này với khoản cho vay 50 tỷ USD là số tiền thu được từ các tài sản bị phong tỏa của Nga mà Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã chấp thuận. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ đang làm dấy lên lo ngại ở châu Âu rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Kiev có thể giảm sút.

Kiev đang cố gắng gia tăng áp lực lên các đồng minh của mình để có thêm các khoản hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ có thể khiến Washington cân nhắc chính sách hỗ trợ cho Ukraine, từ đó bất lợi cho nước này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=650
Quay lên trên