Tổng vệ sinh môi trường, loại trừ sốt xuất huyết

Cập nhật: 11-07-2023 | 09:32:12

Nhằm hạ thấp mật độ muỗi vằn Aedes Aegypti - trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Hoạt động tuyên truyền, vận động của ngành đã góp phần làm thay đổi thói quen vệ sinh cá nhân, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

 Cán bộ y tế, đoàn viên thanh niên tham gia vệ sinh môi trường và lật úp vật dụng không cần thiết ở khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An

 Dành từ 10 đến 15 phút mỗi tuần để làm sạch nơi ở

Chúng tôi có mặt tại TP.Dĩ An để ghi nhận chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh với ngành y tế nơi đây. Ngay từ sáng sớm, trên các trục đường giao thông đi vào quảng trường thành phố, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tiến hành thu gom rác thải, phế thải, phát quang, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn trả lại mặt đường thông thoáng cho người tham gia giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường. Mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên, hội viên cùng các dụng cụ cuốc, xẻng, chổi nhựa, ky hốt rác, bì đựng rác được mang đi từ nhà để quét dọn, phát quang bụi rậm, làm sạch các tuyến đường được phân công.

Tại phường Tân Đông Hiệp, 7 khu phố trên địa bàn đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường thu gom chai, lọ, lốp xe, lật úp vật dụng ứ đọng nước và tuyên truyền người dân phòng chống các loại dịch bệnh. Trên tinh thần xung kích tình nguyện vì cộng đồng, hơn 100 đoàn viên thanh niên tham gia dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, quét dọn vệ sinh. Với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, các con đường trong khu phố nhanh chóng trở nên thông thoáng, sạch, đẹp.

Người dân phấn khởi vì chính họ đang góp phần làm cho môi trường thêm trong lành, sạch đẹp từ nhà ra ngõ. Đây là một hoạt động thiết thực, nhằm bảo vệ môi trường xanh, sạch và nâng cao ý thức giữ gìn của người dân. Bà Lê Thị Xén, ngụ khu phố Đông Chiêu, cho biết: “Gia đình tôi trước đây có thói quen trữ nước mưa. Qua tuyên truyền, tôi nhận thấy không nên trữ nước trong nhà vì nó sẽ tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng gây bệnh sốt xuất huyết”.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Dĩ An, cho biết: “Sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch bệnh xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường. Các phế thải, phế liệu luôn tồn đọng nước, tạo thành nơi muỗi đẻ trứng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố kêu gọi mỗi người dân, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nên dành từ 10 - 15 phút mỗi tuần để làm sạch nơi ở, nơi làm việc, từ trong nhà đến xung quanh, không để tồn tại những vật dụng đọng nước tạo điều kiện lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh phát triển”.

Kiểm soát, xử lý bọ gậy

Trong những nỗ lực đẩy lùi sốt xuất huyết của ngành y tế, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi chỉ là giải pháp tình thế, còn biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy được coi là giải pháp bền vững. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết để kiểm soát và xử lý hiệu quả các điểm phát sinh muỗi, lăng quăng và bọ gậy, thành phố chỉ đạo các phường huy động mọi nguồn lực. Các lực lượng này tiến hành rà soát các công trình xây dựng, công trình công cộng, trường học… diệt bọ gậy; đồng thời, đôn đốc lực lượng cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ người dân giám sát chặt chẽ và xử lý ổ bọ gậy ở các hộ dân cư.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết muỗi Aedes aegypti là thủ phạm truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết. Trong môi trường phát triển thuận lợi, muỗi Aedes aegypti đẻ trứng vào những vật dụng chứa nước. Sau khoảng 7 - 10 ngày, trứng phát triển thành bọ gậy, lăng quăng và trở thành muỗi trưởng thành, có thể đốt người và tìm nơi đẻ trứng để tiếp tục vòng đời. Trứng muỗi có thể chịu được điều kiện khô hạn trong nhiều tháng. Muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần hàng chục trứng. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở xó xỉnh và những chỗ tối trong nhà, như: Gầm giường, tủ, quần áo treo trên móc, rèm che...

“Vệ sinh môi trường cho đường thông, hè thoáng, vườn, cổng ngõ sạch đẹp, tinh tươm, nhưng vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết còn chú trọng đến những vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, chiếc lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, một xô nước không được đậy kỹ, một bể chứa nước không có nắp đậy, bình bông không được thay nước thường xuyên… Những vật dụng này sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển”.

 Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết: Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây...; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa.

 HOÀNG LINH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=552
Quay lên trên