(BDO) Vừa qua, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì, phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) tổ chức Lễ biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam (Industrie 4.0 Awards) lần thứ ba năm 2024. Chương trình nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện chuyển đổi số (CĐS), đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, DN nhằm hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế số (KTS); biểu dương sự phát triển của các DN sản xuất, kết nối cung cầu về các giải pháp công nghệ số, xây dựng và phát triển sản xuất thông minh.
Ban Tổ chức biểu dương các DN tiêu biểu thực hiện CĐS, đổi mới sáng tạo
Diễn đàn nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sỹ Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam Industrie 4.0 Awards là diễn đàn để các DN giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng nhà máy thông minh, nhà máy số, sản xuất thông minh, nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị kinh doanh.
Đặc biệt, chương trình liên kết, kết nối cộng đồng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học và các DN cùng hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển KTS, đạt được thành tích cao.
Tiến sỹ Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, Việt Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư mà còn là một trung tâm đổi mới sáng tạo với nhiều DN tiên phong trong áp dụng công nghệ mới. Những sáng kiến và giải pháp mà các DN trong danh sách Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2024 đã đóng góp không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững và phát triển.
Qua quá trình thẩm định sơ khảo và chung khảo công tâm, khách quan, từ 200 hồ sơ của các tổ chức, DN tham gia, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 30 hồ sơ ở các hạng mục để biểu dương.
Theo đó, Ban Tổ chức đã vinh danh, biểu dương 24 DN với các sản phẩm, giải pháp số tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba, Ngân hàng Thương mại Cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty Cổ phần công nghiệp cao su miền Nam, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao…
Phiên toàn thể Diễn đàn Quốc gia Phát triển KTS và xã hội số lần thứ II tại Bình Dương
Ngoài ra, có 6 tỉnh, thành phố được Ban Tổ chức ghi nhận những thành công tiêu biểu trong việc tổ chức, chủ động triển khai chủ trương cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình CĐS quốc gia gồm: Bình Dương, Trà Vinh, Long An, Đà Nẵng, Lạng Sơn và Thái Nguyên.
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển KTS và xã hội số lần thứ II, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. Do đó, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động; triển khai có hiệu quả CĐS quốc gia, gắn với chủ đề của năm 2024: “Phát triển KTS với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số; phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực cho phát triển KTS, xã hội số; xây dựng văn hóa trên môi trường số, kiến tạo môi trường số văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn” . |
Thúc đẩy chuyển đổi số
Thời gian qua, Bình Dương đã có những bước tiến đáng khích lệ trong quá trình CĐS nhờ vào sự quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, sự đồng hành của cộng đồng DN, người dân. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết định hướng của Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó KTS, đổi mới sáng tạo và CĐS đóng vai trò nòng cốt.
Bình Dương mong muốn trở thành một đô thị thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, nơi khoa học - công nghệ làm động lực phát triển, thu hút đầu tư công nghệ cao và xây dựng môi trường sống chất lượng cho người dân. Các dự án quy hoạch của tỉnh sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, khuyến khích các sáng kiến đổi mới từ cộng đồng.
Vừa qua, tại Bình Dương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh đã tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển KTS và xã hội số lần thứ II với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”. Mục tiêu của diễn đàn nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động; triển khai có hiệu quả CĐS quốc gia...
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tư tưởng chính của diễn đàn tập trung 2 định hướng, đó là: Phát triển KTS bằng việc thúc đẩy cả cung và cầu về KTS; chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành để thúc đẩy phát triển KTS các ngành, các lĩnh vực.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin, Tổng Công ty Becamex IDC chia sẻ về thực hiện CĐS của Tổng Công ty Becamex IDC tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển KTS và xã hội số lần thứ II
Trong khi đó, ông Thái Thanh Quý, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, trong đó có mục tiêu đến năm 2030 KTS chiếm 30% GDP, chúng ta cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm, như: hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật; đầu tư vào hạ tầng số chiến lược; ứng dụng công nghệ số trong các ngành kinh tế chủ lực; xây dựng và thúc đẩy thị trường dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của người dân; phát triển nguồn nhân lực số; khuyến khích nghiên cứu khoa học - công nghệ.
Để thúc đẩy CĐS, theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin, Tổng Công ty Becamex IDC, Chính phủ cần thành lập văn phòng chuyên trách liên bộ thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0; triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực phát triển và áp dụng công nghiệp 4.0 ở quy mô quốc gia; xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế cho các DN CĐS; các nhà phát triển hạ tầng công nghiệp cần chủ động tham gia kiến tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp 4.0; kết hợp “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN để xây dựng chiến lược tổng thể chính sách, nhân lực, thương mại.
Chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam đề ra các tiêu chí đánh giá cụ thể cho từng hạng mục: Top DN công nghiệp 4.0; Top tổ chức, DN khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; Top DN có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ Công nghiệp 4.0; Top tổ chức, địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. |
Phương Lê - Quang Trí