Khách mua bản nâng cấp giữa chu kỳ của Corolla Cross được các đại lý bán kèm gói phụ kiện như một hình thức để ưu tiên nhận xe sớm.
Corolla Cross 2024 chưa có xe về đại lý, khách hiện mới chỉ có thể đặt cọc để được xếp lịch giao. Giống như thế hệ đầu tiên bán ra hồi 2020, mẫu xe gầm cao cỡ nhỏ nhập Thái Lan của Toyota tiếp diễn tình trạng "bán bia kèm lạc", tức ngoài mức niêm yết cho hai phiên bản gồm 1.8V giá 820 triệu và 1.8 HEV giá 905 triệu đồng, khách cần mua thêm gói phụ kiện hàng chục triệu đồng để được giao xe sớm.
Hiện nhiều đại lý Toyota tại Hà Nội, TP HCM đang gợi ý khách mua gói phụ kiện 20-25 triệu đồng cho Corolla Cross 2024. Tùy đại lý, gói phụ kiện có thể khác nhau. Phụ kiện phổ biến là lót sàn, phủ gầm, phim cách nhiệt, camera hành trình, bọc vô-lăng... thậm chí là cả "dây treo bình an".
Corolla Cross 2024 bản hybrid tại một đại lý Toyota ở Thái Lan.
Nếu không mua gói phụ kiện đi kèm, khách vẫn được giao xe nhưng thời điểm không cụ thể. Toyota Việt Nam nói Corolla Cross 2024 về đại lý vào tháng 5 nhưng một số nơi cho biết xe có thể giao khách từ cuối tháng 4.
Khi mới ra mắt Corolla Cross hồi 2020, các đại lý Toyota cũng "bán bia kèm lạc" bằng gói phụ kiện 30-70 triệu đồng. Thị trường ôtô Việt Nam đang ở giai đoạn sức mua yếu, cộng thêm nhiều mẫu mã cạnh tranh nhau, mức kênh giá của Corolla Cross 2024 hiện thấp hơn nhiều so với trước.
Về việc giá xe kênh tại đại lý, Toyota Việt Nam nhiều lần cho biết hãng không "không chủ trương ép khách mua phụ kiện". Liên doanh Nhật nói rằng đã yêu cầu các showroom tuân thủ chính sách "khách hàng đến trước được phục vụ trước". Đồng thời, hãng tiếp nhận phản ánh qua đường dây nóng và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ đại lý.
Theo một số chuyên gia bán hàng tại TP HCM, giá xe được điều tiết bởi quy luật cung-cầu. Những mẫu xe có sức hút tốt, ra mắt phiên bản mới, thường được các đại lý bán kênh giá bằng tiền mặt hoặc phụ kiện để tối ưu lợi nhuận. Người mua cảm thấy chịu thiệt khi buộc phải trả thêm tiền hoặc mua thêm những món đồ không hợp ý.
"Tuy nhiên, không phải xe nào đại lý cũng bán kênh", cựu đào tạo bán hàng một đại lý ôtô Nhật tại TP HCM cho biết. "Những xe bán chậm, không hot, đại lý phải giảm giá hoặc tặng phụ kiện để đẩy hàng. Bản thân đại lý khi nhập xe từ nhà máy bao gồm xe bán chạy và xe bán chậm. Họ không thể chỉ nhập toàn xe hot về bán được".
"Bán bia kèm lạc" là cách kinh doanh không chỉ ở các đại lý Toyota. Nhiều đại lý của các hãng khác như Hyundai, Ford, Honda cũng có tình trạng này. Tình trạng bán kênh giá chủ yếu ở những dòng xe mới lần đầu mở bán, xe đã bán nhiều năm nhưng sang thế hệ nâng cấp hoặc hoàn toàn mới. Những cái tên như Hyundai Custin, Palisade, Ford Ranger, Everest, Honda CR-V... từng kênh giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tại đại lý khi mới ra mắt bản mới. Mitsubishi là hãng hiếm hoi không kênh giá với những mẫu xe có sức hút dù khan hàng.
Để tránh tình trạng kênh giá, nếu nhu cầu chưa cần xe ngay, người mua có thể đợi thêm thời gian để cơn sốt qua đi, nguồn cung nhiều hơn. Corolla Cross khi mới bán kênh giá hàng chục triệu nhưng sau đó về mức niêm yết, có thời điểm tặng phụ kiện hoặc giảm giá, tùy theo tồn kho của đại lý và nhu cầu của thị trường.
Theo VNE