TP.Bến Cát: Tăng sức hút vào các khu công nghiệp
(BDO) Theo Quy hoạch chung phát triển TP.Bến Cát đến năm 2030, địa phương này sẽ là đô thị công nghiệp - dịch vụ, đến năm 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông. Trong đó, công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp sạch, có công nghệ cao. Hiện thực hóa mục tiêu này, TP.Bến Cát đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn.
Hạ tầng các KCN tại TP.Bến Cát được đầu tư đồng bộ, hiện đại phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhà đầu tư
Thu hút đầu tư hiệu quả
KCN Mỹ Phước 3 được đánh giá là một trong những KCN chất lượng cao của tỉnh. Hiện KCN này thu hút các dự án xanh, sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo giá trị gia tăng lớn, đóng góp cho sự tăng trưởng, thu ngân sách của địa phương.
KCN Mỹ Phước 3 cũng là KCN đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình xây dựng mới, đó là xây dựng một khu phức hợp không chỉ thu hút các hoạt động sản xuất công nghiệp mà còn có các hoạt động dịch vụ, thương mại, đô thị và dân cư nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững và hướng đến xây dựng khu vực phía bắc của tỉnh thành một thành phố công nghiệp. KCN này đã thu hút được 238 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn trên 2,6 tỷ đô la Mỹ. Các KCN khác trên địa bàn TP.Bến Cát, như KCN Quốc tế Protrade hiện có 89 dự án FDI với vốn đầu tư hơn 1,9 tỷ đô la Mỹ; KCN Mỹ Phước 1 thu hút gần 783 triệu đô la Mỹ; KCN Mỹ Phước 2 thu hút hơn 1,4 tỷ đô la Mỹ vốn FDI…
Theo ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TP.Bến Cát, với vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, thông thoáng, cùng những cơ chế chính sách ưu đãi, các KCN trên địa bàn thành phố đã và đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Tính đến nay, TP.Bến Cát đã thu hút 6.845 dự án, trong đó đầu tư trong nước có trên 6.000 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 67.339 tỷ đồng; đầu tư nước ngoài có trên 840 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ đô la Mỹ.
Hiện nay, ngoài số KCN đã được lấp đầy 100% diện tích, chủ đầu tư các KCN còn lại trên địa bàn TP.Bến Cát đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhanh chóng xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp. Thành phố luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư.
Chuẩn bị tốt hạ tầng, đón dòng vốn FDI mới
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết để chuẩn bị cơ sở vật chất tiếp tục đón dòng vốn FDI, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển nhà xưởng, kho bãi công nghiệp tại TP.Bến Cát. Tổng Công ty Becamex IDC và các đối tác đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tại các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, Thới Hòa…; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743…; tăng cường sự kết nối không chỉ trong nội bộ khu vực mà còn kết nối linh hoạt ra bên ngoài, gắn kết với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện trên địa bàn TP.Bến Cát có 8 KCN. Các KCN này đã giúp TP.Bến Cát thu hút hơn 10 tỷ đô la Mỹ vốn FDI. Bến Cát đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, giúp địa phương phát triển công nghiệp, chuyển dịch nhanh về đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa đời sống của người dân tại địa phương ngày càng chất lượng hơn. |
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định phê duyệt khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh - khu số 1 thuộc địa bàn TP.Bến Cát có tổng diện tích khoảng 2.700 ha, với 10 khu đô thị và 4 cảng. Theo quyết định này, khu vực phát triển đô thị dọc tuyến Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh - khu số 1, TP.Bến Cát sẽ là khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ quy mô khoảng 2.702,73 ha ở phường An Tây, phường An Điền và xã Phú An. Khu đô thị cảng - logistics được xem là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bình Dương và cửa ngõ kết nối với TP.Hồ Chí Minh qua tuyến giao thông Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; trong đó sẽ thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung xây dựng 4 cảng dọc sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 3.400 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 207km, đi qua 5 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An, trong đó đoạn đi qua Bình Dương dài 47,5km. Riêng đoạn đi qua KCN Mỹ Phước 3, KCN Mỹ Phước 4 (các phường Chánh Phú Hòa và Thới Hòa, TP.Bến Cát) dài 8km đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác trước đó.
Có thể thấy, với nhiều dư địa phát triển, TP.Bến Cát đang tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy địa phương này vươn lên thành một trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông; trong đó công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có công nghệ cao của tỉnh.
NGỌC THANH