Qua công tác lập lại trật tự ngành nghề kinh doanh phế liệu (KDPL), ngành chức năng TP.Dĩ An đã tuyên truyền, vận động hàng trăm cơ sở ngưng hoạt động hoặc phải di dời ra khỏi khu dân cư, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Kiên quyết di dời cơ sở vi phạm
Bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Dĩ An cho biết, đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố có 175 cơ sở KDPL. Qua khảo sát thực tế, các cơ sở KDPL tập trung trên địa bàn các phường có diện tích rộng như phường Tân Đông Hiệp, Tân Bình, Bình Thắng. Quá trình hoạt động, các cơ sở này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, xảy ra cháy nổ và mất mỹ quan đô thị.
Thời gian tới, TP.Dĩ An sẽ kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu gây ảnh hưởng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất mỹ quan đô thị
Trong những tháng gần đây, các đơn vị chức năng TP.Dĩ An phối hợp với chính quyền phường thực hiện đồng loạt các biện pháp lập lại trật tự KDPL. Kết quả, các đơn vị đã kiểm tra, vận động xử lý 24/28 cơ sở KDPL, trong đó có 4 cơ sở bị xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai và môi trường. Ngoài ra, đối với các hộ gia đình KDPL, TP.Dĩ An đã kiểm tra, xử lý buộc ngưng hoạt động 109/134 cơ sở (đạt 74%), 38 hộ gia đình còn lại tiếp tục chỉ đạo chính quyền các phường kiểm tra xử lý vi phạm. Theo bà Quách Kim Oanh, để thể hiện sự kiên quyết trong công tác lập lại trật tự KDPL, TP.Dĩ An đang từng bước củng cố hồ sơ để thực hiện việc cưỡng chế đối với những cơ sở không chịu chấp hành.
Chuyển biến tích cực
Theo ghi nhận của P.V, sau thời gian quyết liệt vào cuộc kiểm tra xử lý, nhiều tuyến đường và khu dân cư trên địa bàn phường Tân Đông Hiệp không còn tồn tại cơ sở KDPL hoạt động gây mất mỹ quan đô thị. Bà Võ Thị Bạch Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết để lập lại trật tự KDPL, địa phương đã rà soát, kiểm tra, xử lý 22 cơ sở KDPL. Quan điểm của địa phương là sau khi “xóa” các điểm KDPL sẽ cố gắng không để phát sinh điểm mới. “Địa phương sẽ chỉ đạo cho Ban điều hành các khu phố theo dõi, nắm chắc tình hình địa bàn, nhanh chóng báo cho cán bộ chức năng địa phương đến kiểm tra xử lý cơ sở KDPL ngay khi mới manh nha hoạt động; đồng thời phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức kiểm tra, yêu cầu 9 hộ gia đình KDPL đang còn hoạt động trên địa bàn ký cam kết di dời. Nếu chủ cơ sở KDPL không chấp nhận, địa phương sẽ tham mưu TP.Dĩ An cưỡng chế”, bà Võ Thị Bạch Tuyết cho biết.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường Bình An, cho biết đến nay địa phương đã tuyên truyền, vận động được 18/19 cơ sở KDPL trên địa bàn ngưng hoạt động hoặc di dời. Đối với cơ sở còn lại, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng củng cố hồ sơ đề nghị UBND TP.Dĩ An cưỡng chế di dời. Để không tái diễn việc người dân KDPL trên địa bàn, địa phương đã lập tổ kiểm tra hậu kiểm, nếu phát hiện trường hợp nào cố tình vi phạm, sẽ lập biên bản xử lý ngay từ đầu. Đa phần các hộ dân và doanh nghiệp KDPL đều thuê đất để làm kho chứa phế liệu, do đó địa phương đã vận động những người dân có mặt bằng cho thuê ký cam kết không cho người khác thuê đất KDPL vì ẩn chứa nhiều nguy cơ cháy nổ.
Ông Võ Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết để công tác lập lại trật tự đô thị trên địa bàn đạt được hiệu quả cao, lực lượng chức năng thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường. Song song đó, TP.Dĩ An sẽ thành lập các đội tuần tra, giám sát các điểm kinh doanh phế liệu cũ và mới để phát hiện, xử lý toàn diện về vấn đề đất đai, đô thị, môi trường, giao thông và phòng cháy chữa cháy. |
THANH QUANG