TP.Dĩ An: Nhiều giải pháp “hồi sinh” các tuyến suối

Cập nhật: 13-04-2022 | 08:07:30

Những năm gần đây, các tuyến suối chính trên địa bàn TP.Dĩ An như suối Lồ Ồ, Nhum, Siệp… đang “gồng mình” tiếp nhận nhiều nguồn nước thải khiến chất lượng nước mặt suy giảm đáng kể. Trước tình hình trên, các ngành chức năng TP.Dĩ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm “hồi sinh”, trả lại sự trong sạch cho các tuyến suối trên địa bàn.

 Việc bê tông hóa, cải tạo cảnh quan hành lang suối Lồ Ồ (phường Bình An, TP.Dĩ An) được xem là giải pháp hồi sinh tuyến suối trên

Ô nhiễm do nước thải

Trên địa bàn TP.Dĩ An có sông Đồng Nai chảy qua cùng các tuyến suối Nhum, Siệp, suối Lồ Ồ... có vai trò trong tiêu thoát nước đô thị, sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước thô cho nhà máy. Trong những năm qua, chất lượng nước mặt trên các tuyến suối trên ngày càng giảm mà nguyên nhân chủ yếu là do nước thải sinh hoạt và công nghiệp.

Cụ thể như suối Lồ Ồ thuộc địa phận phường Bình An có nhiều rác, bốc mùi hôi thối, nhất là khi có trời mưa. Kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước mặt tại suối đã bị ô nhiễm chất hữu cơ và dinh dưỡng, các chỉ số đều vượt quy chuẩn cho phép từ 7,5 - 60,7 lần. Nguyên nhân do đây là khu vực tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý của các hộ dân trên quốc lộ 1K và nước mưa chảy tràn qua các khu dân cư, chợ…

Tương tự, nước mặt suối Siệp hiện cũng đang bị ô nhiễm chất hữu cơ, trong đó chỉ số về Amoni vượt nhiều nhất từ 40 - 67 lần so với quy chuẩn. Theo cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2020-2021, chất lượng nước mặt ở suối Siệp không có sự cải thiện rõ rệt như trước đó, trong khi nhiều cơ sở sản xuất dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kéo theo lượng nước thải phát sinh xả ra suối giảm nhiều. Nguyên nhân là nước mưa chảy tràn lôi kéo các chất ô nhiễm trên bề mặt đất làm tăng tải lượng ô nhiễm trong tiểu lưu vực suối, kế đến là nguồn thải nước thải sinh hoạt, dịch vụ và công nghiệp.

Trong khi đó, suối Nhum, đoạn chảy qua địa phận phường Dĩ An và Đông Hòa, dài khoảng 4,7km cũng đang “gồng mình” tiếp nhận nước thải. Theo thống kê của cơ quan chức năng, suối Nhum tiếp nhận khoảng 417 nguồn thải, trong đó chưa qua xử lý chiếm khoảng 75,7% gây ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt và khả năng tự làm sạch của suối. Bên cạnh đó, suối Nhum là tiểu lưu vực tiếp nhận tải lượng ô nhiễm cao nhất so với 2 tuyến suối trên. Hiện tại, khả năng tiếp nhận các chất thải của suối Nhum ngày càng giảm, sẽ càng xấu hơn nếu không có biện pháp quản lý và xử lý rác thải tốt hơn.

Quyết tâm “hồi sinh” các tuyến suối

Bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Dĩ An, cho biết nhằm xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường các tuyến suối chính trên địa bàn, UBND TP.Dĩ An đã thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn xả nước thải và xây dựng kế hoạch bảo vệ một số lưu vực suối chính trên địa bàn TP.Dĩ An”. Kết quả điều tra cho thấy, suối Siệp, suối Nhum và suối Lồ Ồ đang bị ô nhiễm cao, chủ yếu do nguồn thải công nghiệp, nước mưa rửa trôi rác thải và nước thải đô thị.

Theo bà Oanh, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đơn vị thực hiện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng nước mặt, trả lại sự trong sạch cho 3 tuyến suối trên. Cụ thể đối với công tác quản lý nhà nước, Phòng TN&MT thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ hoạt động trong lưu vực 3 tuyến suối để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi xả nước chưa qua xử lý ra môi trường. Đối với các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, nhà trọ thuộc khu vực chưa đầu tư mạng lưới thu gom xử lý nước thải đô thị, Phòng TN&MT thành phố tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND các phường tăng cường kiểm tra, giám sát yêu cầu xây dựng bể tách dầu mỡ thừa sau quá trình sơ chế, vệ sinh ra khỏi nước thải nhằm ngăn chặn dầu mỡ thừa dính bám gây tắc hệ thống thoát nước.

Phòng TN&MT thành phố sẽ xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn lắp đặt công trình tách dầu mỡ, bể tự hoại cải tiến với quy mô nhà trọ, nhà hàng, nhà ở để người dân thuận lợi đầu tư, xây dựng. Đồng thời tham mưu ngành chức năng có kế hoạch nghiên cứu, đầu tư sửa chữa và thay thế các hố ga thoát nước mưa trên các tuyến đường do thành phố quản lý bằng hố ga thông minh có chức năng ngăn không cho nước từ hệ thống thoát nước công cộng tràn ngược cũng như ngăn được mùi hôi thối từ lòng cống bốc ra nhưng vẫn bảo đảm thoát được nước mưa. Công tác vệ sinh, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến suối phải thực hiện định kỳ, bảo đảm không có rác thải tồn đọng.

Trong hoạt động truyền thông, đại diện Phòng TN&MT TP.Dĩ An cho rằng cần gắn kết các nội dung bảo vệ môi trường các tuyến suối vào hoạt động của các ban ngành, đoàn thể; các phường cần phối hợp với tổ chức đoàn thể thành phố tổ chức các buổi tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề có lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường nước mặt. Định kỳ hàng năm ra quân vệ sinh môi trường, tổ chức các cuộc thi về bảo vệ môi trường, trong đó có lồng ghép các nội dung về bảo vệ chất lượng nước các tuyến suối trên địa bàn thành phố. Mỗi khu phố cần thành lập ít nhất 1 tổ bảo vệ môi trường cộng đồng theo mô hình mà thành phần nòng cốt là Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi,... nhằm huy động các tầng lớp nhân dân vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng đô thị Dĩ An xanh, sạch, đẹp, văn minh.

 Giai đoạn 2016-2021, Phòng TN&MT TP.Dĩ An đã thành lập 19 đoàn kiểm tra theo kế hoạch đối 500 đơn vị sản xuất, kinh doanh; tiếp nhận 292 đơn thư phản ánh trong lĩnh vực môi trường. Qua công tác thanh kiểm tra, ngành chức năng đã tham mưu UBND TP.Dĩ An ban hành 177 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, thu nộp ngân sách với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.

 NGUYỄN HẬU  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên