TP.HCM: Hạn chế taxi, đầu tư xe buýt trong 5 năm tới

Cập nhật: 07-03-2010 | 00:00:00

 

Trong giai đoạn 2010 - 2015, TP.HCM vẫn hạn chế taxi, xe buýt là phương tiện công cộng chủ lực. Đến năm 2016 mới bắt đầu phát triển loại hình vận tải hành khách bán công cộng là taxi và xe ôm.

 

Đó là thông tin mà thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp (Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM) cung cấp trong hội thảo Tương lai của vận tải hành khách công cộng diễn ra tại TP.HCM ngày 5-3. 

 

Dù taxi là một trong 2 loại hình phương tiện vận tải công cộng chủ lực hiện nay, đảm nhận 1/4 lượng khách đi lại nhưng vẫn bị xem là chưa hiệu quả và số lượng phát triển quá lớn, gây cản trở giao thông. Bởi theo Sở GTVT thì xe buýt chỉ có hơn 3.000 chiếc nhưng vận chuyển hơn 342 triệu lượt khách trong năm 2009; trong khi đó, taxi có hơn 10.000 chiếc nhưng chỉ vận chuyển gần 139 triệu lượt khách.

 

Do vậy, để đạt mục tiêu vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2010 - 2015 đáp ứng 14% nhu cầu đi lại của người dân (3,06 triệu lượt khách/ngày, tương đương 1.117 triệu lượt khách/năm), Sở GTVT phải tập trung phát triển mạnh xe buýt.

 

Dự kiến, trong giai đoạn này, xe buýt phải đáp ứng được 2,62 triệu lượt hành khách/ngày, gấp 2,7 lần hiện nay. Như vậy, lượng xe buýt đầu tư mới trong 5 năm tới tại TP.HCM phải lên đến 10.000 chiếc (phát triển mới và thay thế xe cũ). 

 

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại sẽ khó đạt được chỉ tiêu trên vì những bất cập của loại hình xe buýt. Theo ông Cao Đăng Thuấn, đại diện Công ty xe buýt Sài Gòn thì thái độ của tiếp viên, thường xuyên không đảm bảo giờ giấc… là những hạn chế mà người dân khó chấp nhận nên nhiều người đã bỏ xe buýt mà quay lại dùng xe máy cá nhân.

 

  Đến năm 2016 mới phát triển taxi

 

Về vấn đề này, GS-TS Bhargab Maitra (Viện Công nghệ Ấn Độ) đóng góp ý kiến: “Ở Ấn Độ, nhà nước phát triển hai loại hình xe buýt. Một loại giá cực rẻ để thu hút người nghèo. Một loại xe buýt cao cấp để phục vụ tầng lớp trung lưu, khá giả. Đó là lý do khiến xe buýt Ấn Độ phát triển mạnh”.

 

Ông Lê Trung Tính cũng thừa nhận là tình hình đường sá TP.HCM hiện nay rất khó ưu tiên cho xe buýt phát triển. Ngay như việc thí điểm xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt thực hiện suốt 7 năm nay nhưng chỉ làm được 1 làn duy nhất trên đường Trần Hưng Đạo B. Ông e ngại: “Sắp tới có lẽ cũng không giữ được làn đường ưu tiên này”.

 

Nhưng cũng do đặc trưng hạ tầng thiếu thốn như trên, TP mới áp dụng phương pháp phát triển loại hình vận tải công cộng hiệu suất cao như xe buýt. Chỉ đến khi tuyến metro số 1 hoàn thành (cuối năm 2016) thì ngành vận tải hành khách công cộng TP.HCM mới chuyển sang giai đoạn mới: phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn song song với các loại hình vận chuyển bán công cộng để trung chuyển khách như taxi và xe ôm.

 

Được biết, tổng vốn đầu tư cho tuyến metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên của TPHCM đã đội giá lên từ 1,1 tỷ USD thành 2,5 tỷ USD.

(Theo Dân Trí)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên