TP.Tân Uyên: Cần huy động nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông

Cập nhật: 04-05-2024 | 06:47:22

Sáng qua (3-5), đoàn công tác của Tỉnh ủy do ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Tân Uyên về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố 4 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2024. Cùng dự buổi làm việc có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

 Ông Đoàn Hng Tươi, Ch tch UBND TP.Tân Uyên báo cáo tình hình phát trin KT-XH vi đoàn công tác ca tnh. nh: QUC CHIN

 Kinh tế phục hồi tích cực

Báo cáo với đoàn công tác của tỉnh, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết từ đầu năm đến nay Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. Theo đó, tình hình KT-XH của thành phố tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển cả năm. Trong đó, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng như giá trị thương mại - dịch vụ ước đạt trên 8.200 tỷ đồng, tăng 24,35% so cùng kỳ; thu ngân sách đạt trên 1.900 tỷ đồng, đạt 45% so với dự toán tỉnh giao; giá trị giải ngân vốn đầu tư công ước thực hiện gần 144 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch…

Hiện, thành phố đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thành việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đồng thời tập trung triển khai thủ tục đầu tư các công trình trong kế hoạch đầu tư công năm 2024 và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp; khẩn trương lập hồ sơ, chi trả tiền bồi thường dự án nạo vét, gia cố suối Cái, đoạn từ trước cầu Thợ Ụt đến cầu Bến Sắn và công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH402; chỉ đạo tăng cường công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc các công trình, dự án trọng điểm như đường ĐT746 từ ngã ba Tân Thành đi Hội Nghĩa, công trình xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương và xây dựng cầu Bạch Đằng 2 thuộc Dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai; đường ĐH403, dự án cải thiện nước môi trường Bình Dương và các công trình lưới điện...

Nhiều tuyến đường cần đầu tư, nâng cấp

Tại buổi làm việc, TP.Tân Uyên đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư, phát triển, khai thác hạ tầng trên địa bàn; xem xét bố trí vốn để triển khai thực hiện các công trình: Nâng cấp, mở rộng đường ĐT747A (đoạn từ Thái Hòa đến Uyên Hưng) với quy mô 4 làn xe, tổng bề rộng nền đường là 28m; nâng cấp, mở rộng đường ĐT747B (đoạn từ chùa Thầy Thỏ đến cầu Ông Tiếp).

Đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT742 (đoạn qua địa bàn TP.Tân Uyên), Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án với quy mô 6 làn xe, tổng bề rộng nền đường là 42m để đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông kết nối với các đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển KT-XH trên địa bàn thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung.

Cũng liên quan đến hệ thống giao thông, TP.Tân Uyên kiến nghị tỉnh sớm xem xét cho tiếp tục triển khai, thi công phần còn lại của tuyến đường ĐT746, đoạn từ Uyên Hưng đi Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên để sớm kết nối với đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống giao thông khu vực phía nam thành phố kết nối với TP.Thuận An, TP.Dĩ An thông qua tuyến đường ĐT747B, ĐT743 và đường ĐH401 kết nối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn tạo thành trục giao thông huyết mạch nối liền tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh; tuy nhiên tuyến đường ĐH401 (từ chân cầu Thạnh Hội, phường Thái Hòa đến giáp ranh TP.Thuận An) có chiều rộng mặt đường rất hẹp (7m, với 2 làn xe). Hàng năm, UBND thành phố đều bố trí kinh phí để duy tu, dặm vá nhưng do mật độ tham gia giao thông rất lớn nên đoạn đường này thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp… Do vậy, thành phố cũng kiến nghị tỉnh xem xét bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH401, phường Thái Hòa, với bề rộng nền đường là 20m (quy mô 4 làn xe) nhằm giải tỏa áp lực giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, kết nối giao thông giữa các tuyến đường nhánh với trục giao thông đường Mỹ Phước - Tân Vạn...

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Tân Uyên, sáng ngày 3-5. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao những kết quả mà TP.Tân Uyên đã nỗ lực đạt được trong 4 tháng đầu năm, tạo nền tảng để thành phố thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2024. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý thành phố tiếp tục tinh thần “tự soi, tự sửa, tự khắc phục” những tồn tại, hạn chế đã được nhìn nhận, trên cơ sở đó rà soát lại các chỉ tiêu, kế hoạch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên cho biết đến nay thành phố đã có 6/25 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đề ra trong năm 2024; trong đó 2 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt; các chỉ tiêu còn lại thực hiện cơ bản bảo đảm theo kế hoạch. Đây là những kết quả đáng trân trọng trong bối cảnh tình hình chung còn nhiều khó khăn, thách thức…

Ông Nguyễn Văn Lợi cũng lưu ý TP.Tân Uyên hiện có nhiều công trình giao thông trọng điểm của Trung ương, của tỉnh đi qua nên cần tập trung công tác giải phóng mặt bằng, nhất là dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, ĐT746, cầu Bạch Đằng 2... Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu TP.Tân Uyên phối hợp với các ngành chức năng tính toán các giải pháp kết nối những tuyến giao thông đi qua địa bàn bảo đảm tối ưu về vận chuyển cũng như tính kết nối nội vùng và liên vùng.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng TP.Tân Uyên cần chủ động hơn nữa trong việc huy động các nguồn lực từ đất đai, từ quy hoạch của địa phương... để bố trí vốn cho các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để xây dựng mạng lưới giao thông thông suốt, kết nối nội vùng, liên vùng, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương trong thời gian tới.

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên