TP.Tân Uyên: Đánh thức tiềm năng du lịch

Cập nhật: 05-10-2023 | 08:18:04

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh du lịch TP.Tân Uyên, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; TP.Tân Uyên hiện đang hoàn chỉnh Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên để hiểu rõ hơn về đề án này.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tiềm năng du lịch của TP.Tân Uyên?

- TP.Tân Uyên có tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng với cảnh quan sông Đồng Nai, vườn cây trái xanh tươi cùng với 12 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh. Hàng năm, TP.Tân Uyên thu hút gần 40.000 lượt khách tham quan. TP.Tân Uyên cũng được tỉnh chọn là điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn trên cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội. Vì vậy, bên cạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, TP.Tân Uyên cũng có tiềm năng phát triển du lịch.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã triển khai Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mong muốn đánh thức tiềm năng du lịch với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh du lịch TP.Tân Uyên, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Với tiềm năng sẵn có, TP.Tân Uyên mong muốn du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: QUỐC CHIẾN

- Vậy cơ sở nào để TP.Tân Uyên xây dựng đề án?

- Đề án được xây dựng trên cơ sở đánh giá toàn diện điều kiện, tiềm năng lợi thế du lịch của TP.Tân Uyên cũng như phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP.Tân Uyên trong tổng thể phát triển của tỉnh nói riêng và khu vực Đông Nam bộ. Nội dung đề án gồm 3 phần chính: Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch thành phố; định hướng phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các giải pháp phát triển du lịch TP.Tân Uyên.

Theo đó, đề án đã nghiên cứu, phân tích về thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, không gian phát triển du lịch, nguồn lực phát triển du lịch, nguồn nhân lực du lịch, doanh nghiệp du lịch, hệ thống quản lý du lịch trên địa bàn TP.Tân Uyên. Từ đó, thành phố xây dựng hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch; xây dựng dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch, định hướng tổ chức không gian, đầu tư du lịch, quản lý nhà nước và kinh doanh du lịch, xây dựng các giải pháp phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tế.

"Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mong muốn đánh thức tiềm năng du lịch với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh du lịch TP.Tân Uyên, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…”.

(Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên)  

Việc lập Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là cần thiết, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch TP.Tân Uyên, thu hút đầu tư, góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương và phát triển cộng đồng; đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch để Tân Uyên sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

- Đến nay, đề án đã được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Nhằm hoàn chỉnh đề án, UBND TP.Tân Uyên tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho đề án. Dự hội nghị có đại diện nhiều sở, ngành có liên quan; đại diện các công ty du lịch lữ hành, chuyên gia du lịch, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài thành phố. Tại hội nghị, các đại biểu, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, giúp hoàn thiện Đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Cụ thể, các đại biểu đề nghị cập nhật hệ thống hạ tầng giao thông vào đề án; phát triển các tour du lịch kết nối với các tỉnh, thành lân cận; định hình hệ thống sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển du lịch, làm rõ phát triển sản phẩm dịch vụ là giải pháp cốt lõi; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển du lịch; xem xét khai thác tiềm năng du lịch làng nghề gốm truyền thống, hệ thống nhà cổ; bảo tồn và phát triển môn phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà trở thành sản phẩm thể thao đặc thù; khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch đường sông tạo điểm nhấn, gắn với đầu tư hệ thống bến bãi phục vụ du khách; phát triển sản phẩm OCOP.

Đại biểu cũng đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch, đặc biệt là truyền thông trên internet, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, YouTube; tổ chức các cuộc thi về quảng bá sản phẩm du lịch trên mạng xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp trong phát triển du lịch; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý để phát triển bền vững…

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng UBND TP.Tân Uyên luôn quyết tâm, nỗ lực thực hiện hiệu quả định hướng phát triển du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thành phố…

- Xin cám ơn ông!

THU THẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=832
Quay lên trên