TP.Tân Uyên: Hiệu quả từ những mô hình phân loại rác thải
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, TP.Tân Uyên đang nỗ lực triển khai nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn nhằm bảo vệ môi trường. Những sáng kiến thiết thực như chương trình “Mang bình nhựa mua nước giảm giá 10%”, mô hình “Đem giỏ xách đi chợ”, “Ủ men vi sinh”… đang góp phần thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới một đô thị xanh, phát triển bền vững.
Những mô hình thiết thực
Một trong những mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) được triển khai tại TP.Tân Uyên là chương trình “Bình nước - Say Hi” do Thành đoàn Tân Uyên khởi xướng. Mô hình khuyến khích người dân mang bình nước cá nhân đi mua nước để được giảm giá 10%. Chương trình đã thu hút 33 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố tham gia, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần. Chị Võ Kim Thật, chủ quán cà phê mang đi tại tổ 1, khu phố 4, phường Uyên Hưng, chia sẻ mỗi ngày chị tiêu thụ 200- 300 ly cà phê. Hưởng ứng mô hình này, số ly nhựa giảm đáng kể. Chị còn trang bị ống hút bã mía để dễ dàng phân hủy sau khi sử dụng.
Theo Thành đoàn Tân Uyên, chương trình “Bình nước - Say Hi” được phát động từ năm 2024, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các cơ sở kinh doanh. Qua chương trình này, Thành đoàn mong muốn thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, giúp người dân hiểu rằng một hành động nhỏ như mang theo bình nước cá nhân cũng góp phần giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường. Trong thời gian tới, Thành đoàn đẩy mạnh tuyên truyền tại các cơ sở lớn hơn như trường học, công ty, văn phòng để lan tỏa lối sống xanh đến nhiều đối tượng hơn.
Trong khi đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Tân Uyên triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như thu gom phế liệu gây quỹ tình thương, vận động người dân mang giỏ xách đi chợ để giảm thiểu túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày... Những mô hình này không chỉ giúp hạn chế rác thải mà còn tạo thêm nguồn hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, góp phần lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng. Còn tại xã Bạch Đằng, người dân tích cực thực hiện mô hình “Ủ men vi sinh” từ rác thải hữu cơ. Nhờ sự hướng dẫn của địa phương và các tổ chức đoàn thể, nhiều hộ gia đình đã tận dụng rác thải nhà bếp để tạo ra phân bón cho cây trồng. Đến nay, toàn xã có trên 1.720 hộ tham gia thực hiện mô hình này.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết những mô hình nói trên không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường mà còn tạo ra thói quen tốt trong cộng đồng. Để chương trình phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao hơn, thành phố dự kiến mở rộng phạm vi áp dụng, nâng cao công tác truyền thông và có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Việc phân loại rác không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là hành động thiết thực của mỗi cá nhân trong việc BVMT. Với sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng, TP.Tân Uyên đang từng bước trở thành đô thị xanh, sạch và đáng sống.
Chung tay, góp sức
Luật BVMT năm 2020 quy định từ ngày 1-1-2025, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn được thực hiện đồng bộ trên cả nước. Để thực hiện tốt quy định này, TP.Tân Uyên đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Thành phố cũng kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tài trợ, hỗ trợ các hoạt động BVMT.
Phường Uyên Hưng là một trong những địa phương tiên phong trong công tác BVMT của TP.Tân Uyên. Lãnh đạo phường Uyên Hưng cho biết đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn; đồng thời thành lập tổ kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Mục tiêu là tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của từng hộ gia đình. Đối với các ngành, đơn vị, điển hình có Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, đơn vị này đã lồng ghép nội dung phân loại rác vào chương trình học, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để nâng cao nhận thức cho học sinh ngay từ nhỏ...
Mới đây, UBND TP.Tân Uyên đã tổ chức lễ ra quân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp BVMT. Ông Nguyễn Hồng Nguyên nhấn mạnh thực hiện Luật BVMT năm 2020, thành phố xác định việc phân loại rác tại nguồn là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và có chính sách khuyến khích để bảo đảm việc thực hiện Luật BVMT đạt hiệu quả cao nhất.
Với sự quyết tâm của các cấp, các ngành và sự chung tay của người dân, TP.Tân Uyên đang từng bước xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên: Để bảo đảm hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, thành phố đã thành lập các tổ kiểm tra, giám sát tại các xã, phường; kịp thời khen thưởng những điển hình trong bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn cần thực hiện phân loại rác tại nguồn đúng quy định... |
TIẾN HẠNH