TP.Thủ Dầu Một: Bài học về sự kết hợp hài hòa giữa phát triển và an ninh

Cập nhật: 04-10-2023 | 08:54:49

(BDO) Thành ủy Thủ Dầu Một vừa tổ chức hội thảo “Đảng bộ Thủ Dầu Một - 75 năm những chặng đường phát triển”. Tại hội thảo, Trung tướng, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) có tham luận nói về bài học của sự kết hợp hài hòa giữa phát triển và an ninh đã đem đến thành công cho TP.Thủ Dầu Một. Phóng viên Báo Bình Dương, đã phỏng vấn Trung tướng, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm để làm rõ hơn về bài học quý báu này. 

 - Thưa trung tướng, ông có thể nói rõ hơn về kinh nghiệm, cũng như bài học của TP.Thủ Dầu Một trong sự kết hợp hài hòa giữa phát triển và an ninh?

- Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một đã trưởng thành và phát triển, là hạt nhân phát triển của Đảng bộ tỉnh Bình Dương. Bài học thành công của TP.Thủ Dầu Một có nhiều và được đánh giá, phân tích dưới nhiều góc độ. Với tôi, dưới góc độ khoa học quản trị và khoa học an ninh, các thành công này có thể xem xét dưới 3 góc độ. Thứ nhất, thành phố đã kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo vệ kinh tế, gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN). Thứ hai, thành phố đã kết hợp hài hòa giữa phát triển KT-XH và bảo vệ an ninh xã hội, an ninh con người. Thứ ba, thành phố kết hợp hài hòa giữa phát triển KT-XH và bảo vệ kinh tế. Và trong nhiều điểm nổi bật mà thành phố đạt được, có công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển KT-XH gắn liền với nhiệm vụ bảo đảm QP-AN. 

Lực lượng vũ trang TP.Thủ Dầu Một được xây dựng vững mạnh về mọi mặt

Những năm qua, Thành ủy Thủ Dầu Một đã quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), cũng như các chủ trương, giải pháp, chiến lược của Đảng, Nhà nước về QP-AN, vận dụng sát đặc điểm địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc. Thành phố huy động tốt nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua 10 năm thực hiện, TP.Thủ Dầu Một đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là công tác xây dựng Đảng bộ, cơ quan, đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng không ngừng được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo đó, lực lượng vũ trang TP.Thủ Dầu Một cũng được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, thực hiện tốt chức năng nòng cốt trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ QP-AN, giữ vững ổn định xã hội, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH. Thành phố cũng đã bảo vệ an ninh an toàn tuyệt đối cho các dự án kinh tế lớn trên địa bàn được triển khai xây dựng, vận hành và phát triển. Những thành tựu trên lĩnh vực QP-AN của thành phố có sự định hướng, dẫn dắt từ Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), đóng góp vào những thành tựu trên mọi lĩnh vực của đô thị trẻ năng động, phát triển.

- Hiện nay, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có tiềm ẩn những nguy cơ nào, thưa trung tướng?

- Chúng ta thấy, 4 trụ cột phát triển bền vững cho TP.Thủ Dầu Một là KT-XH - môi trường - an ninh. Hiện nay, vấn đề an ninh xuất hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn, về an ninh truyền thống, đó là nguy cơ xuất hiện các hoạt động chống phá Việt Nam như tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; tụ tập đông người biểu tình, tuần hành, gây rối trật tự công cộng; khủng bố, phá hoại, chống chính quyền nhân dân; hoạt động tình báo, gián điệp... 

Về an ninh phi truyền thống, gồm an ninh kinh tế, an ninh doanh nghiệp, an ninh xã hội và an ninh con người, và an ninh môi trường cũng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố. 

- Trước tình hình đó, TP.Thủ Dầu Một phải có định hướng như thế nào để phát triển bền vững, thưa ông?

- Trước các nguy cơ đe dọa an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống đòi hỏi TP.Thủ Dầu Một phải có giải pháp tập trung giải quyết để có thể phát triển bền vững trong thời gian tới. Thứ nhất, Thành ủy Thủ Dầu Một nghiên cứu ban hành nghị quyết hoặc quyết định thực hiện Đề án “TP.Thủ Dầu Một - 5 an”: An ninh xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an toàn an ninh mạng nhằm tăng cường phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng TP.Thủ Dầu Một giàu đẹp, an bình, văn minh.

Thứ hai là tập trung xây dựng, triển khai các phương án, kịch bản. Kịch bản về công tác chỉ đạo, chỉ huy cấp thành phố trong ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống; về công tác chỉ đạo, chỉ huy cấp phường trong ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống; đồng thời có phương án hoặc kịch bản giải pháp giải quyết các tình huống gây mất an ninh trật tự và xây dựng phương án hoặc kịch bản khung xử lý, ứng phó với các tình huống ô nhiễm môi trường nước, chất thải rắn, ô nhiễm không khí nghiêm trọng, khẩn cấp; xử lý, ứng phó với các tình huống gây mất an ninh trong hoạt động du lịch; giải quyết các sự cố nghiêm trọng về y tế, dịch bệnh nghiêm trọng trên địa bàn.

Mỗi tình huống an ninh phi truyền thống cần xây dựng kịch bản ứng phó với các hoạt động gồm phòng ngừa, giảm nhẹ, cứu trợ, phục hồi, tái thiết và phát triển. Tư tưởng chỉ đạo là sự tập trung thống nhất của tỉnh, của Thành ủy, UBND thành phố. Phương châm là chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; thích ứng an toàn và không để phát sinh thành đại dịch hoặc thảm họa, khủng hoảng; đồng thời tổ chức thực hiện 4 tại chỗ... 

- Xin cám ơn trung tướng!

THU THẢO - TIẾN DƯƠNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=418
Quay lên trên