TP.Thủ Dầu Một: Chất lượng giáo dục tiểu học tiếp tục ổn định

Cập nhật: 19-08-2013 | 00:00:00

Ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) TP.Thủ Dầu Một được lãnh đạo Sở GD-ĐT đánh giá có chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học ổn định, các phong trào mũi nhọn cao mà trình độ mặt bằng chung của học sinh (HS) cũng ổn. Chỉ tính riêng năm học 2012-2013, toàn ngành có 68,21% HS giỏi ở môn tiếng Việt, 73,33% HS giỏi ở môn toán. So với năm học trước, tỷ lệ HS khá giỏi toàn thành phố tăng 3,36%.

Ông Dương Văn Bốn, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố phấn khởi nói, chúng tôi đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trên địa bàn toàn thành phố. Công việc trước tiên là ngành quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đến nay, 100% trường lớp cấp tiểu học trên địa bàn thành phố được xây dựng kiên cố. Mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy tiếp tục được quan tâm đầu tư, cải thiện.  

Giáo viên trường Tiểu học Định Hòa tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy

Cùng với đầu tư trường lớp, yếu tố quyết định chất lượng là ngành chú trọng đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn. Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường bảo đảm thực hiện đủ phân phối chương trình và bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng từng khối lớp. Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục ở tiểu học nhằm phát huy tốt việc đổi mới nội dung chương trình tiểu học một cách toàn diện và hiệu quả. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy, năm học vừa qua ngành đã triển khai thí điểm phương pháp “bàn tay nặn bột”, thực hiện dạy thí điểm theo phân môn khối 4, khối 5. Bảo đảm chất lượng giáo dục, bồi dưỡng HS giỏi, giúp đỡ HS yếu kém, tăng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày, tổ chức các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, phòng còn thành lập tổ mạng lưới chuyên môn cấp phòng, tổ chuyên môn theo cụm trường và tổ chuyên môn từng môn học. Tổ chức thao giảng theo cụm chuyên môn, tổ chức nhiều chuyên đề cấp thành phố nhằm trao đổi học tập lẫn nhau giữa các đơn vị…

Từ sự chỉ đạo sâu sát của Phòng GD-ĐT, các trường đã vận dụng linh động tùy theo đặc điểm của mỗi trường. Cô Lê Thị Hồng Châu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết, đa số giáo viên của trường đều có nhận thức tốt trong việc đổi mới phương pháp dạy học. 100% giáo viên thực hiện soạn giáo án vi tính và 75,5% giáo viên thiết kế được bài giảng điện tử. Việc thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng đã giúp HS trung bình, yếu không bị hổng kiến thức và nhờ tổ chức phụ đạo thường xuyên nên nhà trường bảo đảm được chất lượng học tập và kết quả lên lớp cuối năm.

Ông Dương Văn Bốn đánh giá, ngoài tích cực đổi mới phương pháp, các trường còn có giải pháp để phát huy vai trò hoạt động tổ chuyên môn; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện giảng dạy; xem xét một cách nghiêm túc kết quả chất lượng HS sau khi khảo sát; nắm chính xác HS giỏi, HS yếu, HS khuyết tật cá biệt để có biện pháp giáo dục hiệu quả. Điều các trường quan tâm hơn hết là chỉ đạo giáo viên lớp 1 dạy học bám sát chuẩn, bám sát tình hình thực tế, tránh phân biệt HS học trước và HS chưa học, quan tâm những em nghe, đọc, viết, tính toán chậm; xây dựng nề nếp, thói quen học tập cho HS. Các trường ra đề kiểm tra theo chuẩn kiến thức - kỹ năng, đề phân loại học sinh rồi tiếp tục đề ra những giải pháp tốt nhất nâng cao chất lượng qua từng kỳ kiểm tra định kỳ.

Đi đôi với chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn, Phòng GD-ĐT còn xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo từng năm học. Giai đoạn 2013-2015, ngành GD-ĐT thành phố tiếp tục thực hiện bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ quản lý, năng lực chuyên môn theo yêu cầu chuẩn hóa. Xây dựng đề án về chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Nâng cao nhận thức của cán bộ - giáo viên - nhân viên trong việc chấp hành pháp luật và các quy định của ngành.

Để chất lượng giáo dục toàn thành phố tiếp tục phát triển, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện cuộc vận động “dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm” và hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” đạt hiệu quả cao hơn. Đẩy mạnh hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào giảng dạy và học tập, nghiên cứu về khoa học giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo của các nhà trường.

 H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=466
Quay lên trên
X