Theo thống kế, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một còn 13 điểm ngập đối với các tuyến đường giao thông và 2 khu vực thường bị sạt lở bờ suối đối với lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù những năm gần đây thành phố đã nỗ lực xử lý, nhưng vẫn còn điểm tái ngập trở lại và phát sinh điểm ngập mới.
Hạn chế ngập cục bộ
Những năm gần đây, TP.Thủ Dầu Một có tốc độ đô thị hóa nhanh làm giảm diện tích thoát nước, kết hợp với hiện tượng biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất các cơn mưa, lượng mưa. Bên cạnh đó, việc san lấp mặt bằng xây dựng, đa số các công trình giao thông đều bê tông và nhựa hóa nên nước mưa không còn đất trống để thấm nước. Khi mưa lớn, nước tập trung thoát nhanh xuống vùng hạ lưu gây tràn, bể bờ, ngập cục bộ ở vùng trũng, ven suối làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân tại các lưu vực suối Giữa, suối Mù U (phường Định Hòa, Hiệp Thành, Tương Bình Hiệp, Chánh Mỹ, Hiệp An); suối Cát (phường Phú Hòa, Phú Thọ).
Mặt khác, việc đầu tư hệ thống thoát nước (cống dọc, cống ngang, khẩu độ cống nhỏ) chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước đô thị. Ngoài ra, hệ thống cống qua đường, mặt cắt kênh, rạch nội ô nhỏ (rạch Thủ Ngữ, Thầy Năng, Ông Đành…), không nạo vét thường xuyên, gặp lúc triều cường dâng cao, không đủ thoát thường gây ngập một sốtuyến đường nội ô thành phố như ngã ba cống Thích Quảng Đức, cống Phạm Ngũ Lão, đại lộ Bình Dương (trước trường Đại học Bình Dương)…
TP.Thủ Dầu Một tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, chống ngập. Trong ảnh: Công trình kênh tiêu thoát nước qua khu phố 3, phường Phú Hòa đang được xây dựng
Năm 2020-2021, UBND TP.Thủ Dầu Một đãchấp thuận chủ trương thực hiện 18 công trình nạo vét, gia cố, khai thông dòng chảy, kiên cố, lắp đặt lan can, hệ thống chiếu sáng các tuyến kênh, rạch, suối, bờ bao sông Sài Gòn. Đến thời điểm hiện tại, thành phố đãnghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng 11 công trình và đang triển khai thi công 1 công trình. Bên cạnh đó, thành phố đãlắp đặt 14 cửa van kiểm soát triều cường tại các cống khu vực chợ Thủ Dầu Một với tổng kinh phí khoảng 1,4 tỷ đồng, góp phần hạn chế ngập nước cục bộ khu vực chợ do triều cường. Hàng năm, UBND thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện cải tạo để tăng khả năng thoát nước trên các tuyến đường nội ô, nhất là các tuyến đường thường bị ngập như Thích Quảng Đức, Đoàn Trần Nghiệp, Hai Bà Trưng, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngũ Lão, Cách Mạng Tháng 8…
Tuy nhiên, trong năm 2022 có 2 điểm ngập đãxử lý nhưng tái ngập trở lại. Tại điểm ngập ngãba đường Đoàn Trần Nghiệp, Hai bà Trưng, khi triều cường vượt mức báo động 3 (1,6m) đãtái ngập trở lại. Tại điểm ngập đường Hồ Văn Cống, sau một số cơn mưa lớn, đoạn từ cửa hàng sơn mài Thanh Bình Lê đến cầu Bà Sảng chiều dài khoảng 400m, đãbị ngập cục bộ với mức ngập từ 0,20 -0,40m. Theo ông Dương Thái Khanh, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Dầu Một, nguyên nhân là do mưa diện rộng kéo dài, lượng nước mưa đổ về rạch Bà Sảng quá lớn (lưu lượng nước mưa từ thượng nguồn bao gồm thành phố mới, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đại lộ Bình Dương, nước không thoát kịp dẫn đến tràn bờ và ngập đường Hồ Văn Cống.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố trong năm đãphát sinh mới 2 điểm ngập tại đường Nguyễn Đức Thuận ở vị trí cống ngang (ngay bàu nước) và đầu đường hẻm ĐX77 phường Hiệp Thành; đường Nguyễn Tri Phương đoạn từ ngãba Cây Dầu Đôi đến văn phòng khu phố 8, phường Chánh Nghĩa, chiều dài ngập khoảng 100m ÷ 400m, mức ngập 0,10m ÷ 0,20m.
Thực hiện nhanh các công trình
Trong năm 2022, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nâng cao ý thức người dân khai thông dòng chảy, gia cố, cơi đắp bờ bao, bảo vệ công trình, không xả rác xuống sông, kênh, rạch, không xây dựng công trình dân dụng, sản xuất, lấn chiếm hành lang bờ sông, kênh rạch, bảo đảm khả năng thoát nước tốt. Bên cạnh đó, thành phố thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước đồng bộ phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế - xãhội địa phương và biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án xây dựng, giao thông, hệ thống thoát nước hiện có, không thu hẹp dòng chảy các kênh rạch hiện hữu; xây dựng đường giao thông đi đôi với hệ thống thoát nước, tăng khẩu độ cống thoát nước…
Ông Dương Thái Khanh cho biết thêm: “Thời gian tới, TP.Thủ Dầu Một tăng cường kiểm tra khảo sát các điểm xung yếu để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng hàng năm các công trình trên địa bàn; tổ chức thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang rạch, mương thoát nước, thu hẹp dòng chảy làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước. Bên cạnh đó, phòng sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn tỉnh trong công tác đền bù, tạo điều kiện để đơn vị thi công triển khai thực hiện các dự án thoát nước trên địa bàn; từng bước kiên cố hóa các tuyến rạch, thực hiện đồng bộ với dự án đường ven sông Sài Gòn”.
PHƯƠNG LÊ