TP.Thủ Dầu Một: Giữ gìn, phát huy nghi thức “học trò lễ”

Cập nhật: 06-12-2023 | 08:50:22

Thời gian qua, TP.Thủ Dầu Một đã quan tâm khôi phục các đội học trò lễ tại các đình trên địa bàn. Đồng thời, thành phố tổ chức hội thi về nội dung này để các đội học trò lễ có dịp gặp gỡ giao lưu, trao đổi, học hỏi nhau những kinh nghiệm hay trong việc giữ gìn, trao truyền lại cho thế hệ đi sau nhằm giữ gìn nghi thức văn hóa truyền thống này.

 Phần dự thi tại hội thi “Nghi thức học trò lễ” TP.Thủ Dầu Một

 Giữ gìn truyền thống

“Học trò lễ” là một trong những nghi thức quan trọng trong các kỳ lễ hội tại đình, thường do các thành viên trong Ban quý tế, Ban quản lý các đình và người dân được chọn vào Đội “học trò lễ” của đình thực hiện. Vừa qua, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An (phường Tân An) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để có được sự công nhận này, bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa khác, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An vẫn duy trì thực hành các nghi thức lễ hội truyền thống từ xưa đến nay, trong đó có nghi thức “học trò lễ”. Không chỉ ở đình Tân An, nghi thức này cũng là một trong những nghi lễ chính, quan trọng trong mỗi dịp Lễ Kỳ yên tại các đình làng khác.

Nhằm giữ gìn, lưu truyền, phát huy nghi thức “học trò lễ” trong sinh hoạt văn hóa tại đình, qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, trong thời gian qua, các địa phương trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã quan tâm, xúc tiến việc thành lập các đội, câu lạc bộ “học trò lễ” tại các đình. Tại phường Phú Lợi, đầu tháng 11 vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với Ban quý tế đình thần Phú Lợi và đình thần Phú Thuận trên địa bàn thành lập Đội “học trò lễ” phường Phú Lợi. Ông Lại Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lợi, cho biết đội có nhiệm vụ vận động người dân có cùng sở thích tự nguyện tham gia. Trên cơ sở đó, đội sẽ tổ chức sinh hoạt, tập luyện nhằm nâng cao các kỹ năng tế lễ cho hội viên; tổ chức các hoạt động giao lưu với các đội bạn nhằm nâng cao sự hiểu biết, kinh nghiệm về nghi lễ cho hội viên; đại diện cho phường tham gia các hội thi do các đơn vị, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thành phố tổ chức…

Anh Võ Văn Tiến, sinh năm 1987, thành viên Đội “học trò lễ” phường Phú Lợi, chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng có biết sơ qua về nghi thức này. Được các chú, các bác ở địa phương vận động vào đội, tôi đồng ý liền vì bản thân cũng muốn tìm hiểu thêm về truyền thống địa phương, dân tộc qua những nghi thức văn hóa. Khi thành thạo, tôi cũng cố gắng truyền lại cho những bạn trẻ hơn mình để các em biết thêm về các nghi thức, cùng chung sức phát huy truyền thống văn hóa dân tộc”.

Phát huy nét đẹp văn hóa độc đáo

Ngoài quan tâm thành lập các đội học trò lễ tại các địa phương, các đình, mới đây, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một cũng đã tổ chức thành công hội thi “Nghi thức học trò lễ”. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức hội thi về nội dung này. Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một, cho hay việc TP.Thủ Dầu Một tổ chức hội thi “Nghi thức học trò lễ” nhằm góp phần duy trì các nghi thức lễ hội cúng đình trên địa bàn thành phố, đặc biệt là Lễ hội Kỳ yên đã có mặt lâu đời trong tín ngưỡng thờthần của người Việt Nam.

 Trước đây, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một chỉ có 4 đội học trò lễ ở các phường, gồm: Tân An, Chánh Mỹ, Phú Thọ và Phú Mỹ. Trong năm 2023 này, thành phố tiếp tục thành lập thêm 10 đội “học trò lễ” tại các địa phương còn lại, nâng tổng số Đội “học trò lễ” toàn thành phố lên 14 đội.

Dù là lần đầu tiên tổ chức, nhưng hội thi “Nghi thức học trò lễ” đã quy tụ được 14 đội “học trò lễ” đến từ các địa phương trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một tham gia. Điều đó chứng tỏ nghi thức văn hóa truyền thống này đang được các địa phương, các đình rất quan tâm giữ gìn và được người dân đồng tình hưởng ứng. Hội thi được đánh giá cao bởi ý nghĩa của nó mang lại, cũng như tạo thêm một sân chơi văn hóa cho người dân địa phương.

Ông Lê Quang Vinh, hội viên Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh, Trưởng ban Giám khảo hội thi, nhìn nhận đây là hội thi lần thứ nhất của TP.Thủ Dầu Một và với việc chọn địa điểm tổ chức hội thi ngay tại nơi thờ tự của một ngôi đình cụ thể (đình Tân An) thì đây cũng là hình thức tổ chức hội thi đầu tiên của cả nước. Ông Vinh chia sẻ: “Qua hội thi lần này, chúng tôi nhận thấy hình thức và nội dung của nghi lễ này vẫn được bảo tồn và tiếp tục phát triển. Đây là một điều đáng mừng”.

Tham gia hội thi, các đội “học trò lễ” cũng đã tiếp thu, bổ sung thêm kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hành nghi lễ cổ truyền từ các đội bạn và từ sự đánh giá của Ban giám khảo. Đây cũng là một trong những mục đích hướng đến khi tổ chức hội thi này, đó là giao lưu, học hỏi lẫn nhau để bổ sung hoàn thiện về thực hành nghi thức tiến hành các lễ cúng quan trọng tại mỗi đình. Cũng từ hội thi này, Ban tổ chức sẽ rút ra được những kinh nghiệm để thành phố nâng tầm tổ chức các hội thi lần sau quy mô hơn và thu hút thêm nhiều đội nghi thức “học trò lễ” ở các địa phương khác tham gia.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=556
Quay lên trên