TP.Thủ Dầu Một: Nỗ lực chuyển đổi số trong giáo dục

Cập nhật: 16-10-2024 | 08:45:59

(BDO) Khi cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục không chỉ là xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết. Tại TP.Thủ Dầu Một, ngành giáo dục - đào tạo đang đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng chuyển đổi số nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.

 

Học sinh Trường THCS Chu Văn An tham gia một cuộc thi lập trình robot tại trường

 Hiệu quả bước đầu

Trong ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) vào dạy và học, Trường THCS Chu Văn An (phường Phú Cường) là một trong những đơn vị sớm triển khai, đây cũng là trường được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chọn thí điểm xây dựng trường học thông minh.

Cô Diệp Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, cho biết để tổ chức xây dựng trường học thông minh, thời gian qua, Trường THCS Chu Văn An đã triển khai một số mô hình, các cuộc thi. Cụ thể đối với giáo viên, nhà trường tổ chức thi thiết kế bài giảng Elearning. Đối với học sinh, nhà trường đưa vào một số hoạt động ứng dụng công nghệ như các cuộc thi robotics, lập trình sáng tạo…

Em Đỗ Nguyễn Chiến Thắng, học sinh lớp 8.12 Trường THCS Chu Văn An, cho biết cảm thấy rất thú vị khi được tham gia cuộc thi lập trình về robot. Em cho biết cuộc thi này hoàn toàn trên máy tính nên em có thể dễ dàng tháo rời và lập trình code rất tự nhiên, thoải mái… “Việc ứng dụng công nghệ, CĐS vào chương trình học đã giúp chúng em được mở mang kiến thức về thông tin số. Ngoài ra, học sinh có thể nâng cao kiến thức của mình về công nghệ thông tin để ứng dụng cho cuộc sống”, Chiến Thắng bày tỏ.

“Để xây dựng trường học thông minh, giáo viên của Trường THCS Chu Văn An đã được tập huấn, khai thác một số phần mềm ứng dụng vào việc dạy học. Tiến tới xây dựng trường học số, giáo viên của nhà trường cũng đã tham gia một lớp tập huấn cơ bản của Google số. Đây là điều kiện thuận lợi khi xây dựng trường học thông minh, kho học liệu số này sẽ hỗ trợ cho giáo viên rất tốt trong việc khai thác các kiến thức để truyền đạt cho học sinh”, cô Diệp Thị Ngọc Dung chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP.Thủ Dầu Một, cho biết ngành GD&ĐT thành phố xác định CĐS là một trong những nội dung phải tập trung thực hiện. “Để thực hiện các nội dung trên đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ, hành động quyết liệt từ các cơ sở giáo dục. Trong quá trình triển khai, sự thay đổi công nghệ cùng khả năng thích nghi của ngành có thể ảnh hưởng phần nào đến tiến độ đạt được mục tiêu, nhưng các định hướng chiến lược trong CĐS, dựa trên dữ liệu, với giáo viên và người học làm trọng tâm, vẫn là nền tảng vững chắc”, ông Nguyễn Thành Triết nói.

Hướng đến xây dựng trường học số

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, UBND TP.Thủ Dầu Một, cùng sự đồng hành tích cực từ đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh và các doanh nghiệp EDTECH, ngành GD&ĐT TP.Thủ Dầu Một đã cơ bản xây dựng được một hệ sinh thái CĐS toàn diện, bao gồm đầy đủ các yếu tố cần thiết để thúc đẩy phát triển giáo dục trong thời kỳ số hóa. Quá trình thực hiện CĐS trong ngành GD&ĐT tại TP.Thủ Dầu Một bước đầu đã mang lại những kết quả.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học trên nền tảng số, đến nay, ngành đã thực hiện được các nội dung, như: Triển khai, thí điểm triển khai các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục; phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục trong thành phố, gồm bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác.

Song song đó, ngành cũng phát triển, ứng dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến với các tính năng tiên tiến hỗ trợ học tập cá thể hóa và tăng cường trải nghiệm; tăng cường kiểm tra, thi trên máy tính và thi trực tuyến. Triển khai các nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tới 100% đơn vị trường học, quản lý học sinh (quản lý hồ sơ, kết quả học tập), quản lý đội ngũ cán bộ, quản lý cơ sở vật chất. Thực hiện học bạ số, ký số học bạ cho học sinh khối lớp 1, 2, 3, 4 và thực hiện gửi học bạ số lên hệ thống CSDL ngành.

Để cập nhật, nâng cao kiến thức, các ban, ngành liên quan cũng tổ chức nhiều chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công nghệ thông tin về CĐS để bảo đảm nguồn nhân lực của ngành đáp ứng được những yêu cầu của công cuộc CĐS và cách mạng công nghệ...

Theo ông Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP.Thủ Dầu Một, một trong những mục tiêu CĐS đến năm 2025, định hướng đến 2030 mà ngành GD&ĐT thành phố tập trung triển khai là phát triển mô hình trường học số, thư viện số, phòng học số và giáo dục STEAM tại các trường học trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, các mô hình trường học số, thư viện số, phòng học số và giáo dục STEAM tại các trường học trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã góp phần nâng cao năng lực dạy và học, phát triển khả năng tự học, phát triển tư duy lập trình, tư duy sáng tạo của học sinh, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

 Chuyển đổi số trong giáo dục đang được các trường học trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một tập trung triển khai nhằm hướng đến mục tiêu người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn và quản lý giáo dục tốt hơn. Ngành cũng đang từng bước trang bị cho giáo viên những công cụ số hiện đại như Google (tham gia tập huấn, tham gia hội thảo). Đây là bước đi quan trọng trong việc tiến tới xây dựng trường học số, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

 HỒNG THUẬN-MINH KHIÊM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=90
Quay lên trên