Tại Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) tỉnh Bình Dương lần thứ X năm học 2019-2020, đơn vị TP.Thủ Dầu Một đã xuất sắc đạt hạng nhất toàn đoàn. Với thành tích trên, thêm một lần nữa ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) thành phố đã thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh (HS) theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Tại Hội khỏe Phù Đổng lần thứ X, trường THCS Nguyễn Văn Cừ giành được nhiều huy chương vàng, bạc ở môn đá cầu
Thành tích nổi bật
Tại buổi tổng kết, trao thưởng HKPĐ tỉnh lần thứ X do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, các vận động viên của đoàn TP.Thủ Dầu Một đã tạo dấu ấn khi liên tục lên nhận thưởng. Tại hội khỏe lần này, các em đã giành được 124 huy chương, trong đó có 57 HCV. Ông Bùi Tấn Đạt, chuyên viên phụ trách công tác giáo dục thể chất Phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một nhìn nhận, các môn thi đấu, như: Bóng đá, bóng chuyền, aerobic đạt được nhiều HCV và bạc nhất trong số các môn thi đấu. Đặc biệt, tại HKPĐ năm nay nổi trội nhất là môn điền kinh, ở các nội dung thi đồng đội nam, nữ, các đội đã xuất sắc giành được nhiều huy chương.
Đạt được nhiều thành tích nổi bật như trên, cùng với sự chỉ đạo của ngành, các trường còn quan tâm đến phong trào thể dục thể thao (TDTT) trong HS. Với trường THCS Nguyễn Văn Cừ, nhiều năm liền đội đá cầu của trường đã lập thành tích vang dội. Tại HKPĐ lần này, HS của trường đã đạt được 3 HCV đồng đội nam, 2 HCV đôi nam, 2 HCB đôi nam nữ, 1 HCB đơn nam. Mỗi trường có một thế mạnh riêng, ở môn aerobic, nổi trội có trường Tiểu học Lê Hồng Phong, THCS Phú Mỹ; môn điền kinh có các trường: THCS Nguyễn Viết Xuân, THCS Chánh Nghĩa...
Các trường chủ động xây dựng kế hoạch
Cùng với đầu tư tập luyện cho các vận động viên tham gia thi đấu các giải TDTT, ngành GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một còn quan tâm giáo dục thể chất cho tất cả HS. Ông Nguyễn Văn Chệt, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một, cho biết thầy cô đã lưu ý HS có nhiệm vụ tham gia các hoạt động TDTT theo kế hoạch của nhà trường và của ngành. Ngành cũng chỉ đạo nhà trường chuẩn bị chu đáo nội dung, phương pháp, hình thức, các điều kiện để bảo đảm thực hiện giảng dạy môn thể dục. Từng trường có kế hoạch, tổ chức hướng dẫn HS tập luyện TDTT ngoại khóa và tham gia các trận thi đấu, HKPĐ và các đại hội thể thao HS. Bên cạnh đó, trường học triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, giữ gìn sức khỏe cho HS trong quá trình tập luyện và thi đấu TDTT. Qua đó, nhà trường phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao trong HS, có các biện pháp giúp đỡ các em có thể lực yếu được tham gia tập luyện với nội dung và hình thức phù hợp. “Hàng năm, các trường học xây dựng kếhoạch, tăng cường đầu tư kinh phí, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị TDTT, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện tổ chức hiệu quả môn học thể dục, các hoạt động tập luyện, thi đấu thể thao của HS, giáo viên trong năm học”, ông Nguyễn Văn Chệt đã đánh giá.
Từ sự chỉ đạo của ngành, các trường đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện giảng dạy tự chọn, tập luyện môn võ Vovinam hoặc dùng bài “Khởi quyền Vovinam” làm bài tập thể dục giữa giờ. Đối với môn bơi lội, hiện nay 33/33 trường dạy môn này cho HS, với 1.868 em theo học có kế hoạch, giáo trình, phương án bảo hộ, cứu đuối, tiêu chuẩn, kích thước, độ sâu của hồ bơi, giáo viên đứng lớp. Cùng với các hoạt động trên, hàng năm Phòng GD-ĐT còn chỉ đạo các trường tiểu học, THCS phải thành lập câu lạc bộ hoặc “Đội dự bị” TDTT ít nhất một môn hay nhiều môn trong nhà trường. Phòng chỉ đạo điểm cho các trường THCS thành lập đội dự bị thực hiện xuyên suốt năm học và chuẩn bị cho các năm kế tiếp. Ban Giám hiệu có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất về sắp xếp tiết dạy, mua sắm trang thiết bị thể dục để giáo viên được phân công phụ trách “Đội dự bị” thực hiện tốt nhiệm vụ.
Tạo phong trào thi đua rèn luyện sức khỏe trong HS, ngành còn tổ chức thao giảng dự giờ giữa các trường, trong cụm chuyên môn. Trong năm học này có 33/33 đơn vị thao giảng dự giờ, tham gia thi giáo viên giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, cấp thành phố.
ÁNH SÁNG