TP.Thủ Dầu Một: Thực hiện tốt công tác hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 16-11-2024 | 08:40:39

Thời gian qua, Công an TP.Thủ Dầu Một phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên gặp gỡ người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giúp đỡ, động viên từng hoàn cảnh cụ thể. Qua đó, đã giúp họ ổn định về tâm lý để tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

Nhân rộng các mô hình, điển hình

Thượng tá Võ Đức Tín, Phó trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một cho biết, chương trình tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) được thực hiện theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17-4- 2020 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã 3 năm. Cùng với đó là thực hiện Quyết định số 22/2023/ QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, đơn vị đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác thi hành án hình sự (THAHS) tại cộng đồng và THNCĐ đến công an 14 phường. Qua đó giáo dục, giúp đỡ và làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, cấp căn cước công dân cho người chấp hành xong án phạt tù. Ngoài ra, Công an thành phố còn tổ chức tiếp nhận, lập hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ về đăng ký tạm trú, cấp căn cước công dân cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù nhưng không có địa chỉ cư trú trên địa bàn.

Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Bình Dương cho vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù

Để giám sát và kiểm tra kế hoạch đã ban hành, định kỳ hàng quý, 6 tháng, Công an TP.Thủ Dầu Một yêu cầu công an các phường kiểm tra nhằm phát hiện những mặt chưa làm được của từng địa phương và đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Song song đó, tùy theo tình hình thực tế từng địa phương mà triển khai nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến để giúp đỡ người THNCĐ. “Đến nay, các phường Phú Mỹ, Phú Cường, Phú Hòa đã triển khai hiệu quả mô hình quản lý giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về địa phương và tiến hành củng cố nhân rộng đến các phường còn lại. Công an thành phố cũng phối hợp cùng các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho 190 người, có 27 người được các tổ chức, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp nhận”, Thượng tá Võ Đức Tín cho biết thêm.

Tăng cường giải pháp, kéo giảm “tái phạm”

Cùng với lực lượng công an, các ban, ngành thành phố cũng chung tay vào cuộc bằng việc tăng cường các giải pháp như tuyên truyền, hỗ trợ nguồn vốn, tạo việc làm cho người THNCĐ nhằm kéo giảm tình trạng tái phạm tội.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một cho biết, sau khi Nghị định số 49 và Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành, đơn vị đã phối hợp cùng ngành công an, tư pháp tổ chức các buổi tuyên truyền về các nội dung, như: Luật An ninh mạng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và nhận biết các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, hoạt động “tín dụng đen” 124 đợt với hơn 34.500 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, Hội LHPN thành phố đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tập hợp gần 150 lượt chị em phụ nữ hoàn lương tham gia các mô hình, câu lạc bộ văn hóa tại địa phương để vừa tạo động lực tinh thần và giúp họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Hội còn hỗ trợ các chị em thông qua hoạt động vay vốn, trao tặng sinh kế, hỗ trợ học bổng cho con em tới trường, giới thiệu việc làm, tư vấn pháp lý cho 37 chị với tổng số tiền gần 280 triệu đồng và nhiều hoạt động khác.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố cho biết, công tác THNCĐ cho người chấp hành xong án phạt tù là vấn đề có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước. Để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù cư trú trên địa bàn thành phố, Phòng LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị triển khai hỗ trợ các thủ tục pháp lý, hướng dẫn đào tạo nghề, vay vốn cho 180 người. Đồng thời, phòng đã mở các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng ở các phường Định Hòa, Chánh Nghĩa và Phú Mỹ có gần 100 người tham gia nhưng các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù vẫn chưa “mặn mà” với việc đào tạo nghề từ các tổ chức xã hội.

Lý giải điều này, đại diện Phòng LĐ-TB&XH thành phố nhấn mạnh, người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường đối mặt với sự kỳ thị từ cộng đồng nên họ mang nặng tâm lý tự ti, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. Điều này làm cản trở họ tham gia vào các chương trình học nghề, giảm khả năng tìm kiếm việc làm, từ đó khiến họ gặp khó khăn trong việc THNCĐ. Mặt khác, một bộ phận người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường không có trình độ, không có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, không xác định được nhu cầu học nghề nên chưa chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm.

Tính đến ngày 30-10, Công an TP.Thủ Dầu Một đã chỉ đạo và phân công các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ 200 người chấp hành xong án phạt tù; hướng dẫn, làm thủ tục đăng ký cư trú cho 120 người; hướng dẫn cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân cho 30 người; hướng dẫn thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp cho 20 người; hướng dẫn thủ tục xóa án tích 240 người; hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính khác 50 người; tổ chức các hình thức trợ giúp về tâm lý cho 150 người. Công an thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Bình Dương hỗ trợ vay vốn cho 4 người chấp hành xong án phạt tù với số tiền 280 triệu đồng.

QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=368
Quay lên trên