Kỳ 4: Giải quyết hiệu quả vấn đề nước thải, rác thải
Là đô thị trung tâm của tỉnh, TP.Thủ Dầu Một đã có nhiều bứt phá để hình thành không gian đô thị xanh - sạch - hiện đại, gần gũi môi trường thiên nhiên. Đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh, TP.Thủ Dầu Một tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn về môi trường đô thị nhằm mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Công trình lắp đặt đường ống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt khu vực TP.Thủ Dầu Một hoàn thành, góp phần quan trọng giải quyết hiệu quả vấn đề nước thải trên địa bàn. Ảnh: DUY CHÍ
Chú trọng đầu tư không gian xanh
Với những nỗ lực không ngừng của thành phố trong thời gian qua nhằm kết hợp giữa chỉnh trang đô thị với phát triển hệ thống hạ tầng để giải quyết cùng lúc nhiều nhiệm vụ, đến nay TP.Thủ Dầu Một đã cơ bản định hình được tầm vóc của một thành phố trẻ, năng động. Dọc các trục lộ lớn như đại lộ Bình Dương, đường Huỳnh Văn Lũy, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, 30-4... là những hàng cây sao, cây dầu, cây viết thẳng tắp đang phát triển mạnh mẽ.
Tại các con đường mới mở trong đô thị như Mỹ Phước - Tân Vạn, cùng các tuyến đường tạo lực vào Thành phố mới Bình Dương đã được chủ đầu tư xây dựng những dải phân cách trồng hoa giấy vừa đẹp mắt vào ban ngày vừa che khuất được ánh đèn pha của xe ô tô vào ban đêm, góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho người đi đường.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết, cùng với việc phát triển và nâng cao chất lượng những mảng xanh và không gian đô thị hiện hữu, thành phố tiếp tục dành quỹ đất công để mở ra nhiều mảng xanh trong không gian đô thị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Cụ thể, thành phố sắp xếp lại các cơ quan, ban, ngành, trường học, trạm y tế để dành vị trí đẹp, thuận lợi, mở ra những không gian xanh, công viên, sân chơi, sân tập thể thao, sinh hoạt ngoài trời cho bà con.
Hiện nay, thành phố đã xây dựng nhiều công viên mini, nhiều mảng xanh trong đô thị được người dân đồng tình, hoan nghênh như các công viên mini trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Huỳnh Văn Lũy...
Hình thành nếp sống văn minh
Bên cạnh việc đẩy mạnh kết hợp tuyên truyền vận động xây dựng nếp sống văn minh gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, TP.Thủ Dầu Một đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các giao lộ, nơi công cộng để theo dõi, giám sát công tác bảo đảm môi trường trong cộng đồng nhằm đề ra giải pháp tuyên truyền, quản lý hợp lý. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ có hình thức nhắc nhở, giáo dục và xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Hiện nay, khu vực thành phố có 56.264/72.059 hộ sử dụng nước nhà máy cấp, hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 78,1% và có 15.795/72.059 hộ (tỷ lệ 21,92%) nằm cách xa các trục đường chính, khu vực chưa được thi công lắp đặt đường ống cấp nước, chủ yếu vẫn dùng nước giếng đào hoặc giếng khoan (độ sâu 20÷50m). Chất lượng nước ngầm trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một tương đối tốt, đạt quy chuẩn QCVN 09:2008/BTNM; riêng độ pH thấp hơn so với quy chuẩn nước có tính axit. So với tiêu chuẩn đô thị loại I, lĩnh vực này TP.Thủ Dầu Một đã đạt và vượt 5% so yêu cầu.
Cùng với việc cung cấp đầy đủ nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, thành phố còn có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nằm trong dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Toàn bộ nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn thành phố được thu gom triệt để để đưa về nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt xử lý trước khi thải ra môi trường. Nhà máy này có tổng công suất xử lý 70.000m3/ngày đêm, ứng dụng công nghệ sinh học bùn hoạt tính tuần hoàn dạng mẻ cải tiến (ASBR), với ưu điểm tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, giảm mùi hôi và bảo đảm chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cột A Quy chuẩn Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một cho biết, nhờ làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, cộng với ý thức của người dân đô thị, đến nay nhà máy đã đạt công suất thiết kế và đang đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn II của dự án, trong đó phát triển thêm một nhà máy mới.
Hiện đại hóa giải pháp bảo vệ môi trường
TP.Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung đã có quy định toàn bộ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp đều phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng và bảo vệ nguồn nước mặt, vệ sinh môi trường. Hiện tại, tỷ lệ đấu nối nước thải của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP.Thủ Dầu đã đạt 100%. Nước thải sau xử lý của các khu công nghiệp đều bảo đảm đạt quy chuẩn QCVN 14:2008/ BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt cột A trước khi xả thải ra nguồn nước mặt tiếp nhận.
Cùng với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải, Bình Dương đã đầu tư lắp đặt hệ thống trạm quan trắc tự động và camera theo dõi, giám sát các nguồn thải, chống xả trộm. Việc đưa vào sử dụng các thiết bị quan trắc nước thải tự động và 62 hệ thống camera theo dõi cho phép quan sát 24/24 giờ quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải và nước xả thải của các doanh nghiệp. Hình ảnh từ các camera giám sát tự động và các số liệu đo đạc được truyền về Trạm điều hành hệ thống quan trắc nước thải tự động do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Dự kiến, tới đây, Bình Dương tiếp tục triển khai lắp đặt thêm 50 điểm lấy mẫu quan trắc tự động tại 50 doanh nghiệp có lượng xả nước thải lớn để kiểm soát nguồn nước thải ra môi trường chưa qua xử lý. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước triển khai hệ thống này nhằm giám sát, theo dõi nguồn xả đạt kết quả.
Tuy TP.Thủ Dầu Một không xây dựng nhà máy xử lý rác thải nhưng toàn bộ rác thải từ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp đã được thu gom và đưa về xử lý tập trung tại Khu liên hợp xử lý rác thải Bình Dương do Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư. Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Biwase cho biết, giá xử lý nước thải, chất thải ở Bình Dương tương đối thấp so với khu vực và cả nước nhờ được quy hoạch khu liên hợp xử lý chất thải từ trước. Xử lý chất thải là ngành khó, không chỉ đòi hỏi về năng lực khoa học mà còn phải có lòng yêu nghề và trách nhiệm để biến chất thải thành nguồn nguyên liệu thứ cấp phục vụ cuộc sống và sự phát triển. Từ chất thải, công ty đã phát triển ra nhiều ngành mới mà không phải đầu tư lớn để sản xuất ra điện từ rác thải; vật liệu xây dựng, phân bón cũng từ rác thải. Những sản phẩm hữu ích này đều được thị trường ưa chuộng nên đã góp phần vào việc giảm giá thành xử lý chất thải từ ban đầu.
Phát biểu tại lễ khánh thành giai đoạn 2 Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương mới đây, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phát triển đô thị phải gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho cộng đồng. Chất lượng cuộc sống được nâng lên thì việc giáo dục nâng cao ý thức trong cộng đồng cũng phải nâng lên. Cụ thể, trước đây chúng ta tuyên truyền bỏ rác đúng nơi quy định thì nay nội dung tuyên truyền cũng phải được nâng lên thành phân loại rác từ đầu nguồn để góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên...
Kỳ 5: Xây dựng hạ tầng đồng bộ
DUY CHÍ