Để đạt mục tiêu xây dựng đô thị “Văn minh - giàu, đẹp - hiện đại” theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, Thành ủy Thủ Dầu Một đã xây dựng đề án tổ chức cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị (NSVH - VMĐT) giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, TP.Thủ Dầu Một sẽ tạo dựng những nét đặc trưng về văn minh đô thị.
TP.Thủ Dầu Một hướng đến trở thành một “đô thị xanh”, với các tiêu chí “3 không, 3 có”. Trong ảnh: Một góc đô thị Thủ Dầu Một nhìn từ trên cao Ảnh: X.THI
Ông Võ Văn Minh, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TU ngày 19-2-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một giai đoạn 2011-2015, thành phố đã có những bước phát triển khá tốt và tương đối đồng bộ. Nhiều chỉ tiêu cơ bản của nghị quyết đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Thủ Dầu Một được công nhận là đô thị loại II và hiện nay cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I. Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đạt được nhiều kết quả tích cực; các phong trào, chương trình vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia xây dựng đô thị Thủ Dầu Một “Hiện đại - Văn minh - Giàu đẹp”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”… đã góp phần xây dựng NSVH - VMĐT ở từng địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số tồn tại, đó là một bộ phận dân cư chưa ý thức cao trong chấp hành trật tự đô thị, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường; hành vi ứng xử, giao tiếp chưa phù hợp với NSVH - VMĐT; hạ tầng một số nơi chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị...
Vì vậy, đề án tổ chức cuộc vận động xây dựng NSVH - VMĐT giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng đô thị Thủ Dầu Một “Văn minh - Giàu đẹp - Hiện đại”; tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị để đến cuối năm 2017 được công nhận là đô thị loại I, trở thành đô thị trung tâm của tỉnh Bình Dương; tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành và tích cực tham gia thực hiện của người dân đối với một số nội dung trọng tâm liên quan đến xây dựng NSVH - VMĐT… Theo đó, đối tượng mà đề án hướng tới là đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động tại cơ quan, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố. Địa bàn vận động là cộng đồng dân cư (hộ gia đình, tổ, khu phố), cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể (tổ chức cơ sở đoàn - hội), nơi công cộng.
Đối với cá nhân, sẽ vận động thông qua các biện pháp tuyên truyền, giáo dục; vận động nhân dân tham gia các phong trào địa phương…; từng bước hình thành NSVH, ý thức VMĐT của mỗi người. Đối với hộ gia đình, sẽ vận động xây dựng “Gia đình văn hóa”, NSVH - VMĐT trong các hộ gia đình; góp phần hoàn thiện nhân cách các thành viên trong gia đình và hình thành nếp sống, ứng xử văn hóa trong xã hội. Trong đời sống xã hội, cộng đồng sẽ vận động xây dựng “Khu nhà trọ văn hóa”, “Khu phố văn hóa”… chú trọng xây dựng và vận động thực hiện các quy tắc ứng xử, xây dựng NSVH, ý thức văn minh tại cơ quan, khu phố và nơi công cộng.
TP.Thủ Dầu Một phấn đấu xây dựng thành phố có được một số nét đặc trưng về văn hóa - văn minh đô thị, là thành phố “3 không” gồm: Không có người ăn xin; không có điểm tập kết rác tự phát; không có quảng cáo, rao vặt trái phép. Khu phố “3 có” gồm: Có trải nhựa hoặc bê tông hóa các tuyến hẻm, có chiếu sáng công cộng và có thùng rác công cộng. Và Thủ Dầu Một hướng đến trở thành một “đô thị xanh”, đặc trưng là cây dầu thông qua chương trình trồng nhiều loài cây dầu trên các tuyến đường, công viên, nơi công cộng... |
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thành ủy Thủ Dầu Một đã đề ra nội dung để vận động, trước tiên là vận động xây dựng NSVH; vận động tổ chức, cá nhân sống, làm việc theo pháp luật; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, quy định, quy ước của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Đặc biệt là vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự xây dựng đô thị, bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng; có ý thức cộng đồng, bảo vệ các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, chiếu sáng. Thành phố tập trung vận động thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ lẫn nhau…
Song song đó, thành phố cũng vận động xây dựng ý thức VMĐT; vận động các tầng lớp nhân dân tiếp tục đóng góp các nguồn lực để chỉnh trang đô thị; xây dựng ít nhất 5 phường đạt chuẩn VMĐT; 90% tuyến hẻm có chiếu sáng công cộng; phấn đấu 100% tuyến hẻm (có trên bản đồ địa chính hoặc đã hình thành từ lâu và có nhiều hộ dân sinh sống) được trải nhựa hoặc bê tông hóa; vận động đấu nối nước thải sinh hoạt trong nội ô bảo đảm tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị qua xử lý đạt 70%; có hơn 80% hộ gia đình trên các tuyến đường có hệ thống đấu nối thu gom nước thải đăng ký sử dụng. Tổ chức công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác có hiệu quả; vận động nhân dân thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn; phấn đấu 100% các hộ kinh doanh, hộ gia đình có thùng, túi đựng rác; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 98%; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt tiêu chuẩn về môi trường. Thực hiện tốt công tác bảo đảm mỹ quan, an toàn, trật tự xây dựng đô thị…
THU THẢO