Hiện tỷ lệ người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại TP.Thuận An tăng khá nhanh. Từ tiểu thương các chợ, chủ quán nước, quán phở, người bán bánh mì… đến người dân trên địa bàn rất hào hứng tham gia TTKDTM.
Người dân chủ động học cách áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt
Nhanh chóng, an toàn
Dù đã gần 60 tuổi, ông Võ Trí Tường, đại diện cửa hàng sắt tại chợ Lái Thiêu, phường Lái Thiêu, cho biết đã nhanh chóng tham gia mở tài khoản và tham gia trải nghiệm TTKDTM từ ngân hàng. Theo ông Tường, trước đây mỗi khi khách có nhu cầu TTKDTM, ông sẽ đọc số tài khoản ngân hàng nhưng nay chỉ cần cho quét mã QR của các ngân hàng như Agribank, ACB, BIDV... “Có mã vuông là quét liền, thanh toán rất nhanh, khoảng 60% khách hàng trẻ dùng cách thanh toán này khi đến với cửa hàng của tôi. Việc mở rộng TTKDTM trên địa bàn có nhiều tiểu thương là rất cần thiết, giúp thuận tiện hơn trong kinh doanh”, ông Tường nhận định.
Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, một đại lý phân phối nước giải khát tại 131A, đường Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, cho biết trước đây chị chỉ biết chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng. “Tôi thường nhận thanh toán qua chuyển khoản nhưng vẫn chưa hiểu hết về TTKDTM. Nay được ngân hàng hướng dẫn cặn kẽ, tôi đã hiểu một cách cơ bản hơn, cũng như được cập nhật kiến thức về TTKDTM, từ đó kiểm soát chi tiêu, dòng tiền ra, vào tốt hơn”, chị Phượng nêu lý do.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, nhân viên cửa hàng thuốc tây trên đường Nguyễn Văn Tiết, phường Lái Thiêu cũng cho biết khi địa phương truyền thông, triển khai hình thức TTKDTM rộng rãi đến người dân chị rất vui mừng, bởi hàng ngày lượng tiền nhỏ, lẻ thu vào rất nhiều do khách mua thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi đó, TTKDTM có nhiều ưu điểm vượt trội như thao tác đơn giản, hạn chế sai sót thông tin người thụ hưởng, không thối nhầm tiền, thanh toán mọi lúc mọi nơi. “Thời gian tới, chắc chắn tôi phải vận động khách hàng sử dụng nhiều hơn nữa ứng dụng quét mã thanh toán khi mua tại cửa hàng”, chị Ánh nói.
Lan tỏa rộng
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2022 TP.Thuận An có 3 trung tâm thương mại, 22 chợ, 61 cửa hàng tiện ích và khoảng 32.843 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của địa phương này luôn đạt mức tăng trưởng trung bình 20 - 25%/năm. Cùng với đó là hàng chục ngàn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp và người dân sinh sống tại thành phố khá đông.
Bà Trần Nhật Vy, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Thuận An, cho biết Agribank Thuận An - Sóng Thần kỳ vọng chương trình sẽ lan rộng đến 100% khách hàng tiểu thương xung quanh chợ và tại hầu hết địa bàn khu vực TP.Thuận An. Tốc độ tăng trưởng mảng dịch vụ thẻ của ngân hàng đã tăng 150% trong năm 2022. Hiện đã có khoảng 80% khách hàng tại địa bàn có tài khoản giao dịch tại Agribank Thuận An. Cùng với đó là 20/80 trường học tại thành phố có giao dịch liên kết với ngân hàng. “Do đó, việc ngân hàng phải tiếp tục tăng cường tiếp cận, tích cực hỗ trợ và triển khai sản phẩm, dịch vụ với nhiều ưu đãi là điều cần thiết để tiếp tục gia tăng lượng khách hàng TTKDTM tên địa bàn”, bà Vy cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc VNPT Thuận An, cho biết ví điện tử VNPT Money có 2 hình thức tiện lợi cho người dân chọn lựa là liên kết hoặc không liên kết với ngân hàng. Người dân đều có thể trải nghiệm phương thức thanh toán đơn giản, nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm, tránh được các rủi ro phát sinh như tiền giả, trộm cắp, dịch bệnh... Với các tiện ích này, người dân chỉ cần có chiếc điện thoại có ứng dụng ví điện tử là có thể mua sắm và sử dụng các dịch vụ kinh doanh khác một cách hết sức đơn giản.
THANH HỒNG