TPHCM: Công bố giá 10 nhóm mặt hàng bình ổn

Cập nhật: 10-04-2011 | 00:00:00

Chiều 9-4, Sở Tài chính và Sở Công thương TPHCM công bố giá bán 10 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và thuốc chữa bệnh nằm trong chương bình ổn giá năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012. Tất cả mặt hàng đều có mức giá thấp hơn từ 10,9% - 25,7% so với giá bán cùng chủng loại hàng hóa trên thị trường.

Điều chỉnh chứ không tăng giá

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2011 diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. Nguyên nhân chính là giá hàng hóa trên thế giới hình thành một mặt bằng giá mới (đặc biệt là hàng lương thực, thực phẩm) tác động mạnh đến nguyên vật liệu của sản xuất trong nước.

Mặt khác, mức giá bình ổn của năm 2010 được giữ ổn định trong gần 1 năm qua, đã thấp hơn rất nhiều so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Do vậy, việc tính toán để điều chỉnh giá hàng bình ổn năm 2011 đã trở thành bài toán khó không chỉ đối với các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình mà ngay cả với các cơ quan chức năng. Bà Lê Ngọc Đào nhấn mạnh: TPHCM không tăng giá mà là điều chỉnh giá các mặt hàng để không tạo thành vùng trũng về giá đối với hàng bình ổn nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí thấp hơn ít nhất 10% so với giá thị trường và đủ sức dẫn dắt, tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá.

Ông Tạ Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng trong quá trình thực hiện, nếu nguyên vật liệu tăng 15%, sở sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh. Ngược lại, nếu giá nguyên liệu giảm 5%, các DN phải điều chỉnh giảm ngay giá bán tương ứng. Trong trường hợp thị trường xảy ra biến động giá bất thường, giá hàng bình ổn không những không tăng mà các DN còn phải tung mạnh lượng hàng dự trữ nhằm điều chỉnh cung – cầu và giá cả hàng hóa. Đây cũng là một trong những mục tiêu chính của việc thực hiện chương trình bình ổn giá hàng thiết yếu mà TPHCM đã và đang triển khai thực hiện.

Đa dạng mặt hàng bình ổn giá ở TPHCM.

Tăng điểm bán và tần suất bán hàng bình ổn

Cùng với việc thay đổi cơ chế điều hành giá theo hướng linh động, số lượng hàng hóa tham gia bình ổn năm nay cũng sẽ tăng so với năm ngoái. Cách làm này sẽ loại trừ việc mua gom hàng bình ổn như những năm trước. Tùy theo kết quả bán hàng và nhu cầu tiêu dùng của người dân TP đối với các mặt hàng bình ổn năm 2010, cộng với khả năng cung ứng nguồn hàng của các DN tham gia, có 6/8 mặt hàng (trừ thủy hải sản là mặt hàng mới đưa vào bình ổn năm 2011) sẽ tăng số lượng 14% - 41% so với năm 2010.

Để đảm bảo đúng mục đích, đưa hàng bình ổn đến tay người dân có thu nhập thấp, chương trình năm nay sẽ chú trọng phát triển các điểm bán đến khu dân cư ngoại thành, KCX – KCN. Hiện các DN đã đăng ký 2.314 điểm bán hàng, tăng ít nhất 20% so với năm ngoái. Sắp tới, Sở Công thương sẽ là cầu nối để các DN làm việc trực tiếp với các quận, huyện ngoại thành như Cần Giờ, Nhà Bè, các KCN, KCX để phát triển điểm bán, đồng thời tăng tần suất bán hàng lưu động trong năm nay.

10 nhóm thuốc tây được bình ổn giá

Sau 9 năm bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, năm nay TPHCM đã tiến thêm một bước là triển khai bình ổn giá bán một số mặt hàng thuốc tây sản xuất trong nước. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết vấn đề đặt ra không phải là bình ổn để có thuốc giá rẻ mà là bình ổn để có giá ổn định, tránh tình trạng các nhà thuốc cạnh tranh về giá. Theo đó, 10 nhóm dược lý chính với 45 loại thuốc sẽ được bình ổn trong năm nay, bao gồm: nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm; thuốc trị ho; thuốc chống dị ứng; thuốc nhỏ mắt; thuốc trị đau dạ dày; thuốc trị tiêu chảy; thuốc tim mạch; thuốc trị tiểu đường; thuốc kháng sinh; thuốc kháng viêm Corticoid. 4 công ty: Euvipharm, CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco, CP Xuất nhập khẩu 3-2 và CP Dược phẩm Glomed được chọn tham gia chương trình. Sở Y tế sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên về chất lượng thuốc cũng như giá bán theo đăng ký.

Trước mắt, thuốc bình ổn sẽ được đưa vào tiêu thụ tại 94 nhà thuốc bệnh viện, 273 nhà thuốc DN và khoảng 300 nhà thuốc tư nhân có cam kết với sở.

Theo SGGP

Giá tham chiếu 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm

Gạo trắng thường 5% tấm: 10.500 đồng/kg (giảm 15,2%); Đường RE: 21.500 đồng/kg (giảm 11,6%); dầu ăn Cooking: giá 35.000 – 38.700 đồng/kg (giảm 12,2%); thịt gia súc: thịt heo đùi 75.000 đồng/kg (giảm 10,9%); thịt heo ba rọi 80.000 đồng/kg (giảm 11,6%); thịt gia cầm: gà ta nuôi công nghiệp 90.000 đồng/kg (giảm 11,1%); thịt gà thả vườn 54.000 - 57.000 đồng/kg (giảm 25,7% và 19,1%), thịt gà công nghiệp nguyên con 41.000 đồng/kg (giảm 11,9%), thịt vịt 57.500 đồng/kg (giảm 20,9%); trứng gia cầm: trứng gà loại 1 22.500 đồng/vỉ 10 quả (giảm 11,1%), trứng vịt loại 1 27.500 đồng/vỉ 10 quả (giảm 10,9%); thủy hải sản đông lạnh: cá basa fillet 17.600 đồng/gói (giảm 21,6%); cá basa cắt miếng 30.400 đồng/gói (giảm 10,9%); cá basa cắt khúc 25.400 đồng/gói (giảm 11%); rau củ quả giá thấp hơn giá thị trường 10%; Thực phẩm chế biến thực hiện theo giá DN đăng ký.

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=296
Quay lên trên