(BDO) Trà là loại thức uống phổ biến trên thế giới và cũng là một nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Hợp chất Polyphenols của trà có khả năng chống oxy hóa, giảm cholesterol trong máu, kháng khuẩn... Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, trà tươi truyền thống được chế biến và phát triển với nhiều hình thức sản phẩm khác nhau. Trong đó, trà Kombucha đang được biết đến rộng rãi đối với người tiêu dùng, được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán nước với hình thức sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công.
Kombucha truyền thống
Trà Kombucha là một loại đồ uống có đường, vị chua ngọt, thường được sản xuất bằng quá trình lên men lá trà đen, xanh hoặc ô long. Quá trình lên men được thực hiện với hệ vi khuẩn và nấm men được gọi là SCOBY (Symbiotic Colony of Baterial and Yeast) trong môi trường chiết xuất trà. Cộng đồng vi sinh vật của đồ uống Kombucha phụ thuộc vào các điều kiện lên men như nhiệt độ, thời gian, nhóm vi khuẩn và nấm men ban đầu được chọn… cũng như nguồn nguyên liệu và đường được sử dụng.
Đối với Kombucha, các loài nấm men và vi khuẩn khác nhau hoạt động song song để tạo ra hai sản phẩm cuối cùng khác nhau là trà lên men và màng sinh học. Trà Kombucha không chỉ được dùng như một sản phẩm nước giải khát mà theo các nghiên cứu cho thấy nó còn giúp hỗ trợ sức khỏe do có chứa các axit hữu cơ (axit gluconic, axit axetic và axit lactic) và một số chất chuyển hóa tăng cường sức khỏe khác.
Kombucha hỗ trợ tích cực đến sức khỏe con người như làm giảm cholesterol, chống lại bệnh tiểu đường, giải độc gan, hạ huyết áp, giảm viêm khớp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kích thích hệ thống miễn dịch. Những tác động này đều liên quan đến hoạt động chống oxy hóa và sản xuất polyphenol của sản phẩm lên men này.
Lớp màng sinh học SCOBY
Loại trà này còn được biết đến với tác dụng giảm căng thẳng và rối loạn thần kinh, giảm đau đầu, giảm cảm giác thèm rượu của người nghiện rượu. Ngoài ra, còn làm giảm rối loạn kinh nguyệt và bốc hỏa ở thời kỳ mãn kinh, cải thiện thị lực, và tăng cường trao đổi chất.
Các chất nền khác có thể được sử dụng để lên men Kombucha, chẳng hạn như quả mâm xôi, quả goji, nho đỏ, lê xương rồng, táo đen, quả rắn, dừa, dưa, dưa hấu và anh đào chua; các loại thảo mộc như tía tô, cỏ lúa mì, lá ổi, quế, bạch đậu khấu, húng tây, lá mù tạt châu Phi, bạch đàn…
Dựa trên nguyên liệu thành phần, các loại đồ uống Kombucha khác nhau được lên men với các đặc tính khác nhau. Chẳng hạn, Salak Kombucha là thức uống lên men từ quả Salak giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường. Quá trình lên men chiết xuất lá ổi hỗ trợ tăng cường sức khỏe tiềm năng hơn trà Kombucha truyền thống. Hàm lượng cồn và axit trong trà táo Kombucha cũng cao hơn so với Kombucha truyền thống.
Những loại thảo mộc cũng có thể được sử dụng thành công khi kết hợp với trà đen hoặc trà xanh để lên men Kombucha, tạo ra loại đồ uống có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh mẽ. Chiết xuất atisô Jerusalem có hàm lượng chất xơ thấp và thích hợp để làm các loại nước ép Kombucha khác có lợi cho tiêu hóa.
Kombucha chanh
Tuy nhiên, nếu chế biến Kombucha bằng cách lên men thủ công bằng nguồn vi khuẩn và nấm men không đảm bảo, không kiểm soát được vi sinh vật gây bệnh, gây hại và không vệ sinh dụng cụ kỹ lưỡng, đúng cách dẫn đến bị tạp nhiễm, có thể không khai thác được lợi ích của sản phẩm mà còn dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, với thành phần chính là trà thì vấn đề cần được quan tâm đến đó là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trà. Nhiều nông dân lạm dụng thuốc BVTV trên cây trà, dẫn đến việc dù sử dụng trà tươi truyền thống hoặc trà đã qua chế biến đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình.
Do vậy, hãy là người tiêu dùng thông minh bằng cách tìm hiểu kỹ và lựa chọn các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp với bản thân.
Phương Anh - Kim Tuyến