Hỏi: Anh H. là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất. Vừa rồi tòa án cấp sơ thẩm đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án nhưng anh không đồng ý với bản án của tòa án. Anh muốn kháng cáo bản án của tòa án sơ thẩm đã tuyên, tuy nhiên hiện nay vì hoàn cảnh gia đình anh không thể tự mình thực hiện được việc kháng cáo này. Anh muốn ủy quyền cho người khác làm đơn kháng cáo và thực hiện việc kháng cáo thì có được không?
VŨ MINH H. (TX.Dĩ An)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Đồng thời, Khoản 3 Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn kháng cáo phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Căn cứ những quy định trên, trường hợp của anh H. nếu không tự mình thực hiện việc kháng cáo thì anh H. có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo.
Hỏi: Tháng 5-2017, ông M. có lập hợp đồng ủy quyền tại phòng công chứng để ủy quyền cho ông Đ. thay mặt ông M. làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ông M. Nay vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục công việc trên nên ông Đ. muốn ủy quyền lại cho người em của mình tiếp tục làm công việc trên thì có cần có sự đồng ý của ông M. hay không?
NGUYỄN THÀNH Đ. (TP.Thủ Dầu Một)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 564 Bộ luật Dân sự năm 2015 về ủy quyền lại thì:
Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
- Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
- Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Như vậy, ông Đ. chỉ được ủy quyền lại cho người em tiếp tục thực hiện công việc của ông khi có sự đồng ý của ông M. hoặc do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của ông M. không thể thực hiện được.
SỞ TƯ PHÁP