Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 07-03-2015 | 08:37:52

Hỏi: Ba, mẹ tôi đã lớn tuổi, thường xuyên đau ốm và phải khám bệnh vượt tuyến. Hỏi, theo quy định mới thì bảo hiểm y tế sẽ chi trả như thế nào?

ÔNG TRẦN VĂN B. (TX.Tân Uyên)

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì kể từ ngày 1-1-2015, trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến, được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ như sau:

Tại bệnh viện tuyến Trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú.

Tại bệnh viện tuyến tỉnh, mức thanh toán là 60% chi phí điều trị nội trú. Từ 1-1-2021, mức chi trả sẽ nâng lên 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước.

Tại bệnh viện tuyến huyện, mức thanh toán là 70% chi phí khám, chữa bệnh; từ ngày 1-1-2016 thì sẽ là 100% chi phí trong cùng địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, từ ngày 1-1-2016, Bộ Y tế sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh. Cụ thể, người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện sẽ được quyền khám, chữa bệnh tại tất cả đơn vị tương đương tuyến cùng địa bàn tỉnh.

Như vậy, việc người có thẻ bảo hiểm y tế tự ý khám, chữa bệnh vượt tuyến sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán, trừ trường hợp nằm viện điều trị nội trú.

Hỏi: Ba, mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi, hay đau ốm nhưng chưa có bảo hiểm y tế, nay tôi muốn mua bảo hiểm y tế cho ông, bà có được không? Mức phí là bao nhiêu? Nếu mua bảo hiểm cho cả gia đình 5 người thì có được ưu đãi gì không?

ÔNG NGUYỄN VĂN A. (TX.Dĩ An)

Trả lời:

Tại Khoản 1 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) quy định bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Khoản 6 Điều 1 luật này (sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008) quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế gồm:

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.

2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng.

4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên).

5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 điều này.

Theo Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Căn cứ các quy định trên, theo như ông trình bày là ba, mẹ ông chưa tham gia bảo hiểm y tế thuộc các nhóm đối tượng 1, 2, 3 và 4 do đó ba mẹ ông thuộc nhóm đối tượng thứ 5 tức là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc theo hộ gia đình.

Ông có thể liên hệ phường nơi ba mẹ ông cư trú để đăng ký mua bảo hiểm y tế. Khi đi mua bảo hiểm y tế hộ gia đình, ông cần mang theo CMND (của người mua), bản sao thẻ bảo hiểm y tế của những người trong gia đình đã mua và sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú. Phí mua bảo hiểm y tế hộ gia đình là 621.000 đồng/ người/năm.

Về chế độ ưu đãi khi mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình được quy định tại Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế như sau: Mức đóng hàng tháng của đối tượng hộ gia đình tối đa bằng 6% mức lương cơ sở (theo quy định hiện hành mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng) và do đối tượng đóng theo hộ gia đình. Cụ thể, người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư trong cùng hộ, phí mua giảm dần bằng 70%, 60%, 50% so với người mua thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% của người thứ nhất.

SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=751
Quay lên trên