Hỏi: Tôi đang trên đường từ nhà đến công ty thì bị tai nạn thương tật ở chân. Phần lỗi thuộc về xe tải. Công ty không đồng ý trợ cấp tai nạn lao động vì cho rằng tôi không bị tai nạn trong lúc làm việc tại công ty mà bị bên ngoài, chỉ hỗ trợ một ít chi phí ở bệnh viện. Giờ tôi không thể đi làm được mà trợ cấp cũng không có khiến gia đình tôi rất khó khăn. Với hoàn cảnh của tôi thì có được gọi là tai nạn lao động và có được hưởng trợ cấp theo đúng chế độ không?
TRẦN VĂN MINH (phường Đông Hòa, TX. Dĩ An)
Trả lời:
Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở. Căn cứ quy định trên, nếu anh bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc trên tuyến đường và thời gian hợp lý thì được coi là tai nạn lao động và anh sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động khi đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Theo quy định, người bị tai nạn lao động phải có mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên và không thuộc một trong các trường hợp bị tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động, công ty nơi anh làm việc có trách nhiệm: Giới thiệu anh đến Trung tâm giám định y khoa để được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động; thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động; sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Anh trình bày hiện nay công ty không đồng ý trợ cấp tai nạn lao động vì cho rằng anh không bị tai nạn trong lúc làm việc tại công ty mà bị bên ngoài. Để bảo đảm quyền lợi của mình, anh có thể làm thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động với công ty tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở chính theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TỈNH