Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 18-01-2019 | 22:33:47

Hỏi: Tháng 9-2017, anh A. và chị B. sinh được một cháu trai. Anh chị đều là công dân Việt Nam thường trú tại xã A.L., huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Khi đi đăng ký khai sinh tại xã A.L., anh A., chị B. đặt tên con của mình là Nguyễn Tony. Trong trường hợp này, anh A. và chị B. đăng ký khai sinh cho cháu bé với tên Nguyễn Tony được không? Tại sao?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 26, Bộ luật Dân sự (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) thì cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có); họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán; trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ; việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15- 11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì khi đăng ký khai sinh, họ, chữ đệm, tên của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì xác định theo tập quán.

Căn cứ vào các quy định trên, việc anh A., chị B. đặt tên con của mình là Nguyễn Tony khi anh chị đều là công dân Việt Nam sẽ không được giải quyết tại cơ quan đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch. Vì vậy, anh A., chị B. phải đặt tên khác cho con (tên phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ… theo quy định của Bộ luật Dân sự).

Hỏi: Chị M. chung sống như vợ chồng với anh H. nhưng không đăng ký kết hôn. Do mâu thuẫn nên anh H. bỏ đi và không biết chị M. đã có thai với H. Sau khi sinh được một bé trai, chị M. làm thủ tục khai sinh cho con và đặt tên cho đứa bé là B., bé mang họ mẹ và trong giấy khai sinh của B. không có tên người cha.

Sau một thời gian, H. biết chị M. sinh con, qua tìm hiểu biết đó là con mình nên H. đã quay lại xin nhận con và mong muốn kết hôn với M. Sau khi đăng ký kết hôn với nhau (có giấy chứng nhận kết hôn), anh H. và chị M. mong muốn trong giấy khai sinh của cháu B. có tên của người cha (anh H.). Trong trường hợp này, anh H. và chị M. có thực hiện được hay không? Tại sao?

Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 88, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì “…con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng được xác định là cha, mẹ của con...”.

- Khoản 2, Điều 13, Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16-11-2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh không có thông tin về người cha, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của người con.

Căn cứ quy định trên, anh H. và chị M. có thể bổ sung tên cha (anh H.) trong giấy khai sinh của B. Để thực hiện vấn đề này, anh H. và chị M. phải lập văn bản thừa nhận cháu B. là con chung của anh chị. Sau đó, làm thủ tục bổ sung hộ tịch theo quy định mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên